Kỳ 2: Nỗ lực gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng 12 nhà văn hóa DTTS trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành và thành phố Tây Ninh làm nơi sinh hoạt, giao lưu, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 1,7% dân số của tỉnh. Cùng với việc tiếp thu những tiến bộ, xóa bỏ tập tục cổ hủ, đồng bào các DTTS Tây Ninh đang từng ngày gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, góp phần lưu giữ “di sản” cho thế hệ mai sau.

Múa sạp- nét văn hóa ngàn đời của đồng bào dân tộc Thái.

Múa sạp- nét văn hóa ngàn đời của đồng bào dân tộc Thái.

Theo Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 4 trường đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy ở cấp tiểu học. Cụ thể, tiếng Khmer được dạy tại các trường tiểu học: Hòa Đông A (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên), Tân Đông B (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) và Thạnh Tân (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh); dạy tiếng Chăm tại Trường Tân Hưng A (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu).

Tài liệu dạy học tiếng Khmer thực hiện theo sách do Bộ GD&ĐT ban hành, bậc tiểu học có 4 quyển được chia theo các khối lớp 2, 3, 4, 5. Tiếng Chăm sử dụng bộ sách song ngữ do Sở GD&ĐT Tây Ninh cấp (tài liệu tiếng Chăm do Sở GD&ĐT Tây Ninh và An Giang phối hợp biên soạn), bậc tiểu học thực hiện trong 6 quyển được chia theo các khối lớp 2, 3, 4, 5.

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết

Theo ông Nguyễn Văn Lực- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Tầm Phô (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), địa phương luôn ý thức được vấn đề giữ gìn tiếng nói, chữ viết trong đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết. Chính vì vậy, với sự thống nhất giữa Chi bộ ấp, Ban công tác Mặt trận và Trưởng ấp Tầm Phô, lớp dạy chữ Khmer được mở ra vào những ngày hè. Người đứng lớp là thầy giáo Danh Con, năm nay 51 tuổi.

Thầy Danh Con ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, từng là giáo viên dạy tiếng Khmer ở Trường tiểu học Tân Đông. Năm 2004, do sức khỏe yếu, thầy xin nghỉ dạy về làm nông và quản lý trạm nước sạch của ấp Tầm Phô.

“Được chính quyền địa phương đề nghị dạy chữ Khmer cho trẻ em ở đây, tôi rất vui, nhận lời ngay. Tôi cũng muốn mang những kiến thức mình đã học dạy lại cho các em, góp phần gìn giữ chữ viết của dân tộc”- anh Danh Con nói.

Vậy là mỗi mùa hè, tại Nhà văn hóa DTTS ấp Tầm Phô, các em nhỏ trong xóm tụ tập về đây học chữ. Lớp 1 vỡ lòng và lớp 2 cho các em đã biết qua. Em Pia Ra và Li Ta- vừa làm xong bài tập- cho biết, cả hai đều 9 tuổi, đây là lần đầu tiên các em tham gia lớp học chữ với thầy Danh Con.

Thuôn Bum Thên năm nay đã 12 tuổi, là một trong những học trò lớn tuổi nhưng lại học lớp 1 vỡ lòng tiếng Khmer. “Em từng học lớp 2 tiếng Khmer của thầy Danh Con. Nhưng, vì học chưa giỏi, viết, đọc còn sai nên em muốn đăng ký vô lớp 1 học lại. Học giỏi rồi lên lớp 2”- Bum Thên nói.

Chị Vết Hun, 29 tuổi- có con trai đang học lớp chữ Khmer của thầy Danh Con- cho biết, mỗi hè, phụ huynh phụ thầy chút tiền cho thầy có tiền trà nước. “Tôi học chữ Việt Nam tới lớp 5 thôi. Chữ Khmer có học ở trường, nhưng ít, giờ quên hết rồi. Thầy Danh Con mở lớp, tôi muốn con đi học để không quên chữ Khmer”- chị Vết Hun chia sẻ.

Cũng với mong muốn lưu giữ và tiếp lửa cho thế hệ trẻ về chữ Chăm, về giáo lý của tôn giáo dân tộc, nhiều năm qua, Cơ sở bồi dưỡng giáo lý Islam Darussalam (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đã dạy, đào tạo nhiều thế hệ học sinh.

Lớp học chữ Chăm tại Cơ sở bồi dưỡng giáo lý Islam Darussalam.

Thầy giáo Ro Sếp- Trưởng giáo viên của cơ sở cho biết, cơ sở được thành lập năm 2014. Hiện nay, trường có khoảng 160 học sinh. "13 tuổi, các em có thể vô học. Nơi đây, các học viên được học giáo luật Islam như kinh Qur'an, các nền tảng của giáo lý, lời nói của thiên sứ Mohamad và học tiếng Chăm, tiếng Ả Rập, Malaysia".

Ngoài những kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ và giáo lý tôn giáo, theo thầy Ro Sếp, trường còn đưa môn học Lịch sử và pháp luật Việt Nam vào giảng dạy theo Quyết định 35 của Ban Tôn giáo Chính phủ về ban hành chương trình môn học Lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Cô giáo Na Si Ro (ấp Tân Châu, xã Tân Phú) đi dạy từ năm 2017. Cô là 1 trong 4 giáo viên nữ của cơ sở. Ngay từ nhỏ, cô đã chăm chỉ học ngôn ngữ của dân tộc. “Mình học qua một cô giáo ở gần nhà. Việc học tiếng Chăm không chỉ phục vụ cho công việc, mà hơn hết, chính là giúp mình và cộng đồng giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”- cô giáo Na Si Ro nói.

Giữ gìn từng nét văn hóa - nghệ thuật

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng 12 nhà văn hóa DTTS trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành và thành phố Tây Ninh làm nơi sinh hoạt, giao lưu, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Trải nghiệm múa trống Chhay-dăm của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng.

Những năm qua, tại Nhà văn hóa DTTS ấp Bàu Ếch (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) vẫn duy trì những buổi học đánh trống Chhay-dăm và nhạc ngũ âm. Chị Cao Thị Thu Loan, phụ trách nhóm biểu diễn nghệ thuật ở Bàu Ếch cho biết, những nét văn hóa của đồng bào Khmer được lưu giữ từ bao thế hệ, cũng như những đứa trẻ trong sóc, chị đã được nghe, thấy và thực hành từ khi còn nhỏ. Những nét văn hóa ấy thấm đẫm trong mỗi người dân Khmer, và chỉ cần có cơ hội, mọi người sẽ thể hiện.

Đó là vào các dịp đại lễ của đạo Cao Đài; các hoạt động do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như Ngày văn hóa các dân tộc, Ngày hội Tây Ninh tại Hà Nội. Những năm gần đây, mọi người còn thấy dàn nhạc ngũ âm, điệu múa trống Chhay-dăm xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen vào những dịp tết nguyên đán, hoặc hoạt động của Bảo tàng tỉnh nhằm giới thiệu những nét văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà đến các em học sinh…

“Được đi biểu diễn mọi người rất vui, nhất là những chuyến đi xa như Hà Nội hoặc đến các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, ai cũng mừng, không ngủ được. Mỗi lần biểu diễn là mọi người dốc hết sức, diễn bằng tất cả tâm huyết của mình. Ai cũng tự hào vì được quảng bá, giới thiệu văn hóa của dân tộc mình, của Tây Ninh đến với mọi người”- chị Cao Thị Thu Loan chia sẻ.

Điệu múa Chằn của đồng bào Khmer tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên.

Điệu múa Chằn của đồng bào Khmer tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên.

Nếu đi xa hơn, đến với đồng bào Khmer ở Chùng Rụt (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên), Kà Ốt (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) sẽ bắt gặp điệu múa Chằn với ông chằn, khỉ… cùng những câu chuyện thần thoại, dã sử của người Khmer; hay giữa lòng thành phố Tây Ninh, điệu múa truyền thống Robam Chun Por với ý nghĩa chúc phúc của bà con dân tộc Khmer đã được hồi sinh và duy trì từ nhiều năm qua.

Và còn đó, nét văn hóa tín ngưỡng thờ Thiên hậu Thánh mẫu của người Hoa; là bản sắc văn hóa Thái qua những điệu múa xòe, múa sạp uyển chuyển, thanh thoát; là nét văn hóa người Chăm với trang phục truyền thống dịu dàng, kín đáo; tục cúng miếu trang nghiêm, long trọng của đồng bào Tà Mun…

Dẫu qua bao thời gian, những giá trị văn hóa ấy vẫn được bà con DTTS gìn giữ. Mọi người hiểu rằng, bản sắc văn hóa dân tộc mang trong mình những giá trị đặc biệt, là tâm hồn, cốt cách của mỗi dân tộc không thể bị mai một, phai mờ.

Ngọc Diêu - Hòa Khang

(Còn tiếp)

Từ tháng 9 đến tháng 11.2023, Bảo tàng tỉnh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện việc kiểm kê và cập nhật các di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS trên địa bàn 19 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1531 của UBND tỉnh ngày 25.7.2022 ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-no-luc-gin-giu-net-van-hoa-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a166677.html