Kỳ 3: Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống

Để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống, tỉnh Bắc Kạn xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm quyết định thành công sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với mục tiêu trên, Chiến lược của tỉnh Bắc Kạn là chú trọng thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là mô hình hợp tác xã; quan tâm công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa xã hội. Từng bước nâng cao đời sống, vật chất tinh thần, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của nông dân và cư dân nông thôn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Chương trình xây dựng nông thôn mới huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Cụ thể, tới năm 2030 tỉnh phấn đấu có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98,5%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 65%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn.

Để thực hiện hiệu quả, tỉnh đã ban hành các chính sách nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh thực hiện tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Giai đoạn 2021 - 2030, Trung ương và tỉnh đã bố trí nguồn lực, tập trung thực hiện ổn định dân cư khu vực nông thôn, khu vùng đệm rừng đặc dụng, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Ưu tiên đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định đời sống dân cư nông thôn.

Tập trung xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn về chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện tốt cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để xây dựng nông thôn mới.

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn thông qua bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thực hiện tốt Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) trên cơ sở phát triển các ngành nghề, sản phẩm, du lịch trải nghiệm và dịch vụ đã có. Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cư dân nông thôn nhằm xây dựng nông dân Bắc Kạn phát triển toàn diện, văn minh, đoàn kết, tự chủ, tự lực, có ý chí, có trình độ học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân.

Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhằm thu hẹp khoảng cách hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.

Củng cố truyền thống văn hóa tốt đẹp và quan hệ gắn kết cộng đồng đa dạng tại nông thôn. Tích cực hưởng ứng và phát huy hiệu quả của các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”./.

Hết

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202211/chien-luoc-phat-trien-nong-nghiep-va-nong-thon-ben-vung-ky-3-xay-dung-nong-thon-van-minh-hien-dai-gan-voi-do-thi-hoa-giu-gin-van-hoa-truyen-thong-cd708a5/