Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 7/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc và chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong phiên họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về các vấn đề trọng tâm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ...

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu vấn đề: Để phát triển thị trường khoa học công nghệ, từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lực hấp thu và đổi mới công nghệ còn yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ? Và cần có cơ chế, chính sách như nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu, phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?"- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Trước đó, vào đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.

Khẳng định những thành tựu trong công tác dân tộc, chỉ ra những khó khăn, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những hạn chế.

Trong đó, đề nghị tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả các Kết luận Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025.

Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự…

Mai Lan- Doãn Tấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-chat/d20230607163044445.htm