Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ và phiên họp toàn thể

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Buổi sáng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ 18 gồm 3 tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

Các đại biểu dự thảo luận tại tổ.

Các đại biểu dự thảo luận tại tổ.

Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ về Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đánh giá cao hồ sơ dự thảo các Nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, đúng quy định, đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xem xét trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua. Đồng thời đưa ra một số ý kiến đề xuất.

Đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, theo đại biểu, mô hình tổ chức chính quyền đô thị hiện nay đã được triển khai tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện mô hình này tại các địa phương để khi xây dựng dự thảo nghị quyết cho thành phố Hải Phòng bảo đảm khi triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đạt kết quả cao. Đồng thời nêu một số ý kiến về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, UBND phường. Qua báo cáo thẩm tra cho thấy đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên có cơ cấu công an và quân sự là thành viên UBND. Thực tế tại Đà Nẵng đang quy định có cơ cấu công an và quân sự là thành viên UBND, do vậy đề nghị tiếp tục tham khảo việc thực hiện tại thành phố Đà Nẵng để quy định cho phù hợp.

Theo đó, đại biểu đề nghị nên quy định công an và quân sự là thành viên của UBND quận, UBND phường. Thực tiễn cho thấy hoạt động của công an và quân sự không chỉ đơn thuần là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà tham gia rất sâu vào công tác quản lý nhà nước. Việc huy động lực lượng này trong những tình huống khẩn cấp hết sức quan trọng; trưởng công an và chỉ huy trưởng Quân sự là thành viên UBND sẽ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của chính quyền địa phương; phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cũng không có vướng mắc về các quy định khác.

ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Đối với dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đại biểu nhất trí với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của thành phố sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững…

Buổi chiều, tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm khắc phục các bất cập mang tính cấp bách. Tuy nhiên, theo đại biểu còn một số chủ trương của Đảng có tính cấp bách cần được triển khai sớm và việc thể chế hóa những chủ trương này vẫn trong phạm vi 4 chính sách Chính phủ đề xuất, cụ thể là:

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đề ra mục tiêu đến năm 2030 100% người cao tuổi có thẻ BHYT. Ý nghĩa rất quan trọng và nhân văn của mục tiêu là đến năm 2030 không có người cao tuổi nào không có thẻ BHYT. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ với phạm vi sửa đổi Điều 12 về đối tượng tham gia BHYT thì chủ trương này có thực hiện được không. Theo Báo cáo số 646, ngày 14/10 của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, tại trang 32 nêu đến nay đã có 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; nhưng tại trang 88 nêu mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 cũng chỉ duy trì 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, còn thấp hơn chỉ tiêu bao phủ BHYT là 95,15%. Trong khi đó, chỉ còn 5 năm để tiến tới mục tiêu tất cả người cao tuổi đều có thẻ BHYT. Do vậy đề nghị cần tính toán, lồng ghép chính sách để thực hiện được mục tiêu này, trong đó, cần tăng sức hấp dẫn của BHYT bằng chính sách khuyến khích khám, chữa bệnh tại nhà, gắn với định hướng phát triển y học gia đình mà Nghị quyết 21 đã đề ra.

ĐBQH Trần Thị Hiền tham gia ý kiến thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế .

ĐBQH Trần Thị Hiền tham gia ý kiến thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế .

Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới nêu rất rõ yêu cầu “ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT”. Trên thực tế, từ năm 2011, Nghị quyết 30c của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020 đã quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong vấn đề này và Bộ Y tế đã triển khai bằng việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh. Tại báo cáo tổng kết thể hiện kết quả khảo sát giai đoạn 2008 – 2022 cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt kết quả rất cao, ví dụ năm 2022 tỷ lệ hài lòng chung cả nước đạt trên 95%, trong đó ở bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tư nhân, bệnh viện y học cổ truyền đạt trên 97%; bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đạt 94%; chỉ có bệnh viện khối Bộ, ngành đạt ở mức 90%. Vì vậy theo đại biểu, cần luật hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này và đề nghị bổ sung thêm nội dung sửa đổi khoản 8 Điều 6 quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, ban hành, theo dõi chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia BHYT. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy cải cách hành chính thực chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh nói chung và BHYT nói riêng.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/kyahop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-va-phien-hop-toan-the-139920.html