Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi)

Sáng 25-10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại hội trường ngày 25-10. Ảnh: CTV

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại hội trường ngày 25-10. Ảnh: CTV

Nội dung các quy định của dự thảo luật này vừa có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chuyên sâu, vừa liên quan tới nhiều quy định của pháp luật khác; các quy hoạch đô thị và nông thôn có mối liên hệ chặt chẽ đến nhiều loại quy hoạch khác như quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất; hoạt động quy hoạch vừa có tính khoa học, vừa là quy trình có tính hành chính, quản lý nhà nước.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật, đặc biệt về các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, giải thích từ ngữ, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, thời hạn và các thời kỳ quy hoạch, tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Các ĐBQH cũng tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan như: mối quan hệ giữa các quy hoạch; nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; thời hạn lập quy hoạch; quy hoạch phân khu đô thị; quy hoạch chung xã; thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định các trường hợp chuyển tiếp...

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức khảo sát, hội thảo để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội).

Tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: công chứng bản dịch; mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC); vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp về công chứng; địa điểm công chứng…

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mô hình tổ chức VPCC. Theo đó, hiện có 2 phương án: Phương án 1: Đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-luat-cong-chung-sua-doi-8b176e5/