Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh: Làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan, mang tính dự báo cao

Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/7 tiếp tục được cử tri đánh giá là kỳ họp có những đổi mới nhờ sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa. Từ đó, những vấn đề được thảo luận, chất vấn đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan đồng thời mang tính dự báo cao về những thách thức trước mắt.

Đại biểu Ma Việt Dũng, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh phát biểu đóng góp ý kiến
về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thành Công

Rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và chất vấn, trả lời chất vấn, dưới sự điều hành khoa học của chủ tọa kỳ họp, nhiều vấn đề đã rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trước vấn đề của đại biểu Đàm Thị Vân Anh, tổ đại biểu huyện Sơn Dương nêu cần sớm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Trung ương để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, đại biểu Hà Trung Kiên, Giám đốc Sở Tài chính đã làm rõ tiến độ triển khai của tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu trong thời gian sớm nhất, Sở Tài chính cần tham mưu với UBND tỉnh để ban hành chính sách hỗ trợ người dân. Ngoài ý kiến thảo luận này, đối với những ý kiến thảo luận khác, chủ tọa kỳ họp đều yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành liên quan làm rõ nguyên nhân và các giải pháp đối với những băn khoăn đại biểu HĐND tỉnh nêu. Liên quan đến nội dung chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh về việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động còn chậm, tồn đọng, số vụ việc tạm đình chỉ nhiều, đồng chí Lê Quang Bích, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình do chưa quyết liệt, chưa đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết và phối hợp giải quyết. Hay như ý kiến trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND huyện Yên Sơn tại kỳ họp đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư đối với hiệu quả của công trình đập thủy lợi Khuôn Lù, xã Trung Trực (Yên Sơn).

Theo dõi kỳ họp, ông Long Văn Vàng, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Quan (Yên Sơn) cho biết, đại biểu HĐND tỉnh khi nêu vấn đề, chất vấn đều mong muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào. Lãnh đạo các sở, ngành cũng nhìn nhận thẳng thắn về trách nhiệm của mình. Phần kết luận của chủ tọa kỳ họp cũng nêu rất rõ trách nhiệm, chức năng giải quyết thuộc về cơ quan nào. Còn ông Hà Văn Đức, Chủ tịch HĐND xã Sơn Phú (Na Hang) cho rằng, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận về dự thảo các nghị quyết và chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp, đã chỉ rõ các giải pháp và rõ cơ quan nào sẽ phải thực hiện. Đây là thành công của kỳ họp.

Mang tính dự báo cao về những thách thức

Sự điều hành linh hoạt, tập trung của chủ tọa kỳ họp thể hiện ngay ở khi bắt đầu phiên thảo luận. Chủ tọa kỳ họp đã định hướng 4 vấn đề đại biểu cần tập trung thảo luận đó là: Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; những vấn đề báo cáo giám sát chuyên đề bằng hình ảnh của Thường trực HĐND tỉnh; việc giải quyết kiến nghị của cử tri; việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng sau chất vấn sau kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh. Với thời gian được tính theo hình thức bấm giờ không quá 10 phút, các đại biểu không những nêu lên những khó khăn, nguyên nhân và giải pháp mà còn đưa ra những dự báo về thách thức đối với các cơ quan chức năng. Điển hình như ý kiến của đại biểu Khánh Thị Xuyến, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh nêu: “Hiện nay, thu ngân sách của tỉnh ta đang đứng ở vị trí thứ 4/9 tỉnh trong khu vực.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 1.007,3 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán năm, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 6 khoản thu đạt và vượt dự toán năm, 7 khoản thu đạt thấp. Như vậy có thể thấy kết quả này là điều chưa thể lạc quan. Cùng với đó là những khó khăn, thách thức như thời tiết bất thường, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp. Các tỉnh trong khu vực đều có sự chuyển dịch trong thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách mạnh. Nếu với tốc độ tăng như hiện nay thì Tuyên Quang khó duy trì vị trí thu ngân sách trong tốp đầu”. Làm rõ băn khoăn này của đại biểu Khánh Thị Xuyến, đại biểu Hà Trung Kiên, Giám đốc Sở Tài chính đã phân tích, nêu lên quyết tâm của ngành và khẳng định “Tuyên Quang hoàn toàn có thể duy trì tốc độ tăng thu ngân sách và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đạt 2.300 tỷ đồng vào năm 2020”.

Đại biểu Hà Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội nêu: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt trên 50%, tức là phải huy động thêm khoảng 12 nghìn trẻ, tương ứng với hơn 600 nhóm trẻ. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn kém phát triển. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu trên là rất khó khăn đòi hỏi UBND tỉnh cần có các giải pháp cụ thể.

Các đại biểu thảo luận thông qua các nghị quyết về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội diễn ra khá sôi nổi. Trong đó, đóng góp nhiều ý kiến nhất đó là đối với dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Đại biểu Hoàng Thị Nụ, Phó Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh cho rằng: “Khi xây dựng và ban hành nghị quyết này, chúng ta có cân nhắc tới yếu tố quy hoạch không? Nếu sau này, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển mạnh thì ngân sách của tỉnh liệu có đáp ứng đủ không? Trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập trong tỉnh một số nơi cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thì liệu ngân sách của tỉnh có vừa hỗ trợ được các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vừa đầu tư cho cơ sở giáo dục mầm non công lập?”. Băn khoăn về sự hỗ trợ lâu dài của nhà nước đối với giáo dục mầm non ngoài công lập, đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, tổ đại biểu huyện Hàm Yên cho rằng, với chính sách này, tỉnh nên tính tới việc áp dụng trong một thời điểm nhất định. Các băn khoăn, dự báo của các đại biểu đã được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tiếp thu, nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục.

Theo dõi diễn biến kỳ họp, đông đảo cử tri phấn khởi trước đổi mới của kỳ họp. Anh Lê Văn Thịnh, cử tri thôn Xóm Hồ, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) cho rằng, lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã không né tránh mà nhận trách nhiệm về mình đã cho thấy tinh thần và trách nhiệm của các đại biểu. Còn ông Ma Văn Dự, cử tri thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, ông ấn tượng nhất với ý kiến của đại biểu Lê Thị Thanh Trà, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh về thực trạng xây dựng nông thôn mới ở một số nơi. Trong ý kiến đại biểu nêu cũng đã đòi hỏi các cơ quan liên quan, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp trong thời gian tới cần nêu cao hơn vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới.

Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành chương trình đề ra, song thành công nhất đó chính là tạo được sự tin tưởng, phấn khởi của cử tri khi theo dõi kỳ họp.

Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/ky-hop-thu-tam-hdnd-tinh-lam-ro-trach-nhiem-cua-co-quan-lien-quan-mang-tinh-du-bao-cao-120550.html