Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng ngày 6/11, Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày (6-8/11/2019) và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia chất vấn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn; trong quá trình chất vấn, đại biểu có thể tranh luận khi thấy chưa thỏa đáng. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện.

Ngay sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về các nội dung: chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu câu hỏi: Sản phẩm cá ngừ đại dương được xác định là một trong những ngành chủ lực của thủy sản Việt Nam. Hiện giá bán của cá ngừ phụ thuộc rất lớn vào khâu bảo quản sau thu hoạch.

Tuy nhiên việc bảo quản cá ngừ của ngư dân vẫn còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp và giá trị giao dịch trên thị trường không cao. Vậy trong thời gian tới Bộ trưởng có biện pháp gì để xây dựng giải pháp tổng thể, dài hạn giúp ngư dân bảo quản sản phẩm cá ngừ sau đánh bắt?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định cá ngừ là sản phẩm khai thác vùng biển của Việt Nam và rất có giá trị, nếu làm tốt khâu bảo quản, giá trị của cá ngừ sẽ tăng gấp đôi, gấp 3. Đồng tình với đề xuất của đại biểu, Bộ trưởng cho rằng hiện nay chuỗi giá trị sản xuất cá ngừ còn thấp, do đó trong thời gian tới Bộ sẽ cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và bà con ngư dân có giải pháp tổ chức lại sản xuất chuỗi trên biển theo hướng liên kết khai thác, bảo quản, xuất khẩu; tiếp tục đầu tư về công nghệ đánh bắt, bảo quản; phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH Ninh Bình) nêu vấn đề: Hiện một số công ty nước ngoài về lĩnh vực sản xuất công nghiệp ô tô, sản xuất phân phối sản phẩm cơ khí chế tạo khi thấy thời điểm thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt và đủ lớn thì đang có kế hoạch gây sức ép cho các doanh nghiệp liên doanh hợp tác của Việt Nam chuyển nhượng cổ phần, nhượng lại các lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước đang làm tốt. Vậy Chính phủ, Bộ trưởng có biện pháp gì để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Công, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc mà đại biểu nêu là hiện tượng phổ biến của cơ chế thị trường. Và hiện nay, chúng ta đã có Luật cạnh tranh, Luật đầu tư nước ngoài là nền tảng rất quan trọng để thực thi pháp luật và có điều kiện bảo vệ doanh nghiệp trong nước, song điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt luật để bảo vệ lợi ích của mình.

Ghi nhận thực tế mà đại biểu phản ánh, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ nghiên cứu sâu hơn để tham mưu cho Chính phủ và có những khuyến nghị, hỗ trợ kịp thời cả về mặt pháp lý cũng như về mặt chính sách để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng việc đầu tư sản xuất năng lượng điện mặt trời quá nhiều trong thời gian vừa qua đã làm quá tải lưới điện truyền tải. Tính đến tháng 6/2019, trên cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng khi phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng 87 nhà máy này? Trước khi ký Quyết định, Bộ trưởng có nghe Tập đoàn EVN báo cáo khả năng quá tải đường truyền tải này không?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Khi chúng ta xây dựng chủ trương này, mục tiêu mong muốn là tạo ra môi trường thí điểm để có cơ hội tổng kết và tiếp tục phát triển điện sạch, bao gồm điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự chủ quan đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai các dự án. Vì vậy, trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, có gần 5.000 MW được hình thành và tham gia thị trường phát điện.

Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm của mình trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, bao quát, kịp thời, để có những đối sách và biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải tỏa công suất, không để xảy ra thiệt hại cho xã hội.

Thời gian tới, được sự cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phê duyệt các dự án bổ sung kể về nguồn, trạm, truyền tải điện, Bộ Công thương hy vọng cuối năm 2020 việc giải tỏa công suất cho các dự án điện sẽ đảm bảo mức cao, đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư cũng như cho Nhà nước và cho nhân dân.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-khoa-xiv-iai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-chat-van-cac-thanh-vien-chinh-phu-20191106095026288p12c16.htm