Kỳ I: Những cung đường xanh

Hạ tầng giao thông chính là thành phần quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xác định đầu tư cho giao thông là tạo điều kiện phát triển giao thương...

(baophutho.vn)

(baophutho.vn)

- Hạ tầng giao thông chính là thành phần quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xác định đầu tư cho giao thông là tạo điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng… Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển mạng lưới giao thông, không chỉ trong đô thị mà cả giao thông nông thôn, từ đó góp phần thay đổi diện mạo các địa phương, nhất là vùng miền núi.

Những địa phương có đổi thay rõ rệt về giao thông phải là đến Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập - ba huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Chỉ trong chục năm gần đây, những con đường dốc cao hiểm trở khi xưa đã dần được thay bằng các tuyến đường lớn rộng mở về tới bản. Những cây cầu, con đường mới xuyên rừng, vượt suối đã tạo nên “cung đường xanh” không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con vùng cao mà còn mở lối khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, dịch vụ.

Ngày 17/4/2002, Khu bảo tồn Xuân Sơn chính thức nâng hạng thành Vườn quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn sau này). Khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cùng đoàn công tác lên Xuân Sơn có giao nhiệm vụ: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng nhân dân phải giữ được rừng quý hiếm Xuân Sơn, rừng đa dạng sinh học bậc nhất nước ta. Song để Vườn quốc gia Xuân Sơn phát huy được những giá trị tiềm năng vốn có của mình, trước tiên phải làm đường nhựa vào khu trung tâm và phải đưa điện lưới vào Xuân Sơn!

Nay đến với Xuân Sơn theo tỉnh lộ 32 phẳng lì, trùng điệp rừng xanh, không còn đất trống như trước nữa.

Ông Hà Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn phấn khởi chia sẻ: Xuân Sơn bây giờ khác xa với cách đây hơn 10 năm, khi huyện Tân Sơn mới thành lập. Toàn xã hiện có hơn 90% đường giao thông đã cứng hóa. Hai bên đường, người dân trồng hoa trạng nguyên, hoa dã quỳ…nên mùa nào hoa nấy, rất sạch đẹp.

Trước đây, giao thông Tân Sơn giống như nét bút chì mờ nhạt, đường đến trung tâm xã cón khó đi huống chi tới các bản động vùng cao. Từ trung tâm xã muốn đến những bản như Đèo Mương - xã Thu Ngạc, Bến Thân - xã Đồng Sơn, Mỹ Á - xã Thu Cúc phải đi bộ 8 đến 10 cây số nên hàng hóa từ vùng xuôi chuyển lên “đội giá”, nông sản địa phương vì thế cũng chẳng thể về xuôi.

Anh Phùng Đức Lưu ở khu Đèo Mương 2, xã Thu Ngạc nhớ lại: “Không có việc quan trọng, thì không ai xuống xã. Gần chục cây số đường mòn về trung tâm xã hoặc đi xuyên núi gần 3 cây số để sang bên Phúc Khánh, huyện Yên Lập chủ yếu để... “cõng” gạo. Mỗi người “cõng” chẳng được bao nhiêu, nhưng đó là cách duy nhất bởi xe không thể đi được...”.

Ông Tạ Ngọc Yến - Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Tỷ lệ đường giao thông nông thôn kiên cố hóa toàn huyện đạt hơn 65%, tăng 26% so với thời điểm năm 2015.

Để khắc phục tình trạng một số xã bị chia cắt, cô lập vào mùa mưa, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu vượt lũ tại một số “nút thắt” giao thông, như cầu treo Bến Gạo (xã Văn Luông) đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019, cầu vượt lũ tại các xã Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Văn Luông đang được đầu tư, nhờ đó tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt cho toàn huyện.

Với các hộ lấy phát triển kinh tế đồi rừng làm điểm tựa cho kinh tế hộ thì giao thông lên đồi càng trở nên quan trọng. Diện tích chủ yếu là đồi núi, người dân các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập phát huy lợi thế đó để tập trung trồng chè, quế và cây lâm nghiệp.

Là xã vùng cao của huyện Yên Lập, diện tích đất cho cây lúa có thể “đứng chân” ở xã Trung Sơn rất ít, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mười mấy năm trước, người dân nơi đây chỉ sống dựa vào cây măng, củ mài ở rừng, việc trồng rừng khi đó cũng theo kiểu tự phát chứ chưa định hướng, khoanh vùng như bây giờ.

Giao thông mở tới đâu, quế theo chân người đi tới đó. Đến vụ thu hoạch quế, thương lái về tận nơi thu mua, vận chuyển. Lợi ích kinh tế của cây quế khá ổn định, ngoài vỏ quế, người dân có thể tận dụng bán lá và gỗ quế, một ha quế thu nhập bình quân đạt từ 80 - 100 triệu đồng.

Hệ thống giao thông của Trung Sơn không còn khó khăn như trước. Giờ không còn cảnh phải đi bộ rẽ rừng, lội suối mới vào đến bản khe Nhồi, khe Bóp.

Đến những địa phương người dân tập trung trồng chè hay cây lâm nghiệp thì những cung đường xanh càng hiển hiện rõ nét. Những đồi chè như bát úp ở Long Cốc, huyện Tân Sơn hay Địch Quả, huyện Thanh Sơn giờ không chỉ nổi tiếng khắp trong tỉnh, trong nước mà thu hút cả khách quốc tế.

Đường lên đồi chè giờ cũng được bê tông hóa để thuận lợi cho việc vận chuyển chè tươi từ vùng nguyên liệu về nơi chế biến, sản xuất. Mấy bản vùng cao cũng nhờ có đường mới có được đầu ra cho các loại nông sản đặc sản như khoai tầng Yên Lương, chuối Phấn Vàng (Thanh Sơn), gà nhiều cựa, vịt suối Nhàng (Tân Sơn), người miền xuôi nhờ đó cũng mới được thưởng thức những “của ngon, vật lạ”.

Đó chính là vòng xoay giao thương, kết nối lợi ích để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội mà chỉ có giao thông đi trước mở đường mới làm được như vậy!

Việt Hà - Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202107/ky-i-nhung-cung-duong-xanh-178257