Kỳ II: Biên cương khởi sắc
Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào Dao ở huyện Phong Thổ còn là những lực lượng tiên phong trong xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, chung sức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Kỳ 1: Lời Bác là ánh sáng soi đường
Đẩy lùi hủ tục
Trong câu chuyện với bà con dân tộc Dao ở huyện Phong Thổ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về quá trình đẩy lùi hủ tục, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Những hủ tục được coi là “ăn sâu, bám rễ” rất lâu khiến cho bản làng trì trệ, tụt hậu được bà con từng bước loại bỏ, xây dựng nếp sống văn minh. Một trong số đó phải kể đến hủ tục con dâu không được ngồi ăn cơm khi có bố chồng, anh chồng, em trai chồng, chỉ được đứng hoặc ngồi xổm. Điều này thể hiện rõ sự phân biệt giữa những thành viên trong gia đình, giữa nam và nữ.
Đồng chí Lý Chin Phú - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Má Tiển (xã Bản Lang) tâm sự: Bản có 99 hộ, 589 nhân khẩu thì 100% là đồng bào dân tộc Dao. Từ năm 2001 đến năm 2014, các hộ trong bản đều duy trì hủ tục con dâu ăn cơm không được ngồi khi có bố chồng, anh chồng, em trai chồng, dần dần coi đó là thói quen hằng ngày. Chỉ sau này khi được các cán bộ tuyên truyền, chúng tôi mới dần nhận ra sự sai lệch trong cách nghĩ, bảo nhau xóa bỏ. Hiện nay, cả bản chỉ còn khoảng 10 hộ duy trì hủ tục này.
Cũng theo lời kể của anh Phú, một số hủ tục khác trong bản cũng được xóa bỏ, ví dụ như trước đây đám cưới thường tổ chức kéo dài 3 ngày, 2 đêm gây tốn kém về kinh tế cho gia chủ, bản thân người giúp cũng rất vất vả. Đến nay, bà con nhận thức được nên chỉ gói gọn trong 1 ngày. Hay hủ tục bố mẹ chồng phải chuẩn bị của hồi môn cho con dâu bằng vòng bạc, dây bạc. Nhiều hộ gia đình không có điều kiện phải đi vay mượn khắp nơi làm đám cưới, mua của hồi môn khiến khó chồng khó, trong bản không ít gia đình rơi vào tình trạng nợ đời bố mẹ, đời con vẫn không trả hết. Đến giờ hủ tục này cũng dần được bãi bỏ, các gia đình tùy theo điều kiện thực tế để mua hoặc không mua của hồi môn cho con dâu chứ không bắt buộc phải có như trước. Bên cạnh đó, người con gái trong bản trước kia khi đi lấy chồng phải nhổ hết tóc xung quanh khu vực 2 tai trở xuống gáy gây đau đớn, mất thẩm mỹ, giờ cũng không còn duy trì.
Với bà con dân tộc Dao ở xã Ma Li Pho, việc xóa bỏ hủ tục cũng là bước ngoặt trên chặng đường phát triển. Đồng bào nơi đây thực hiện nghiêm túc việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhất là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 gắn với việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, phần đa bà con đồng thuận giảm thời gian tổ chức tục cấm bản từ 3 ngày xuống còn 1 - 2 ngày. Khi các hộ gia đình có người chết sẽ đưa đi chôn cất trong thời gian không quá 2 ngày, tuyệt đối không để trong nhà nhiều ngày với lý do chưa tìm được ngày đẹp.
Đồng chí Hoàng Quang Dùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thèn Sin (xã Ma Li Pho) nói: Rất nhiều hủ tục đã được bà con trong bản đồng tình xóa bỏ. Bây giờ, khi các gia đình có người chết không còn phải đến từng hộ gia đình anh em, hàng xóm gần xa để quỳ lạy, báo tin, nhờ đến giúp như trước. Thay vào đó, bà con sử dụng điện thoại, mạng xã hội: facebook, zalo thông báo nhanh gọn, kịp thời. Điều này giúp các gia đình có người chết tiết kiệm thời gian, công sức, tổ chức công việc chu đáo.
Nội biên phát triển, biên giới bình yên
Xác định ở nơi vùng biên, an ninh trật tự, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và mỗi người dân. Đồng bào Dao không quản ngại khó khăn, trực tiếp tham gia tổ tự quản an ninh trật tự bản, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bà con tự nguyện đăng ký tự quản đường biên, tự quản mốc giới; chung sức cùng lực lượng biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, phát quang đường tuần tra.
Đồng chí Phạm Ngọc Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ma Li Pho nhấn mạnh: Xã Ma Li Pho có đường biên giới dài 13,934km tiếp giáp với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với 3 cột mốc (65, 66, 67). Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” đồng bào Dao chung sức cùng bà con các dân tộc khác trong xã đăng ký tham gia tổ tự quản đường biên, mốc giới với 75 thành viên và 9 tổ tự quản an ninh trật tự gồm 107 thành viên. Duy trì 1 mô hình dòng họ tự quản ở bản Pa Nậm Cúm và 1 mô hình bản bình yên ở bản Sòn Thầu 1.
Từ tháng 10/2023 đến nay, trong xã Ma Li Pho có 76 lượt người dân (chủ yếu là đồng bào Dao) tham gia cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, dân quân tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. Nhân dân cung cấp 65 tin có giá trị cho lực lượng bộ đội biên phòng. Qua đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, giữ gìn sự bình yên nơi biên giới.
Tương tự ở các xã: Sì Lở Lầu, Bản Lang, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải... đồng bào Dao cũng cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tá Trần Huy Huỳnh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cho hay: Đồng bào Dao ở xã Sì Lở Lầu tham gia duy trì hiệu quả 10 tổ tự quản an ninh trật tự bản; đăng ký tự quản 19,586km đường biên; 13 cá nhân đăng ký tự quản 9 mốc giới. Bà con chung sức, đồng lòng không để xảy ra các vấn đề phức tạp nơi biên giới.
Ghi nhận sự đóng góp của đồng bào Dao trên tất cả các lĩnh vực, thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, ngành khen thưởng, biểu dương. Đây là minh chứng sinh động khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt việc học và làm theo Bác, cán bộ và nhân dân đoàn kết thì ở đó mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Đồng bào Dao ở huyện Phong Thổ sẽ luôn vững tin, tiếp tục khắc ghi và làm theo lời Bác dạy, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương phát triển kinh tế; gắn bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc với phát triển du lịch… Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu góp sức xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước.