Kỳ II: 'Ô bàn cờ' trên đồng ruộng

Là tiêu chí thứ 2 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông nông thôn được xem là nội dung khó thực hiện đối với các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp đồng bộ, sáng tạo mà tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ đường giao thông nông thôn, trong đó có đườngnội đồng cứng hóa trong tốp đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

(baophutho.vn) - Là tiêu chí thứ 2 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông nông thôn được xem là nội dung khó thực hiện đối với các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp đồng bộ, sáng tạo mà tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ đường giao thông nông thôn, trong đó có đườngnội đồng cứng hóa trong tốp đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Gần đó, đoạn từ tỉnh lộ 314 đến trung tâm xã Mạn Lạn, đi qua khu Bắc Sơn có chiều dài khoảng 3km vừa được đầu tư với tổng kinh phí xây dựng gần 14 tỷ đồng đã góp phần “lấp đầy” mạng lưới giao thông cho huyện Thanh Ba.

Ông Nguyễn Trung Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba thông tin: Đến nay 100% đường huyện được cứng hóa, 95% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% đường trục thôn, xóm cứng hóa, có 16/18 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông. Huyện đang quan tâm đầu tư đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng để nâng cao chất lượng giao thông địa phương.

Cũng là vùng đất giữa như Thanh Ba, Cẩm Khê đang có tốc độ cứng hóa giao thông rất nhanh. Hùng Việt đang là xã có tốc độ cứng hóa đường nội đồng đạt tỷ lệ cao nhất huyện Cẩm Khê hiện nay. Mặc dù cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ song chính quyền và người dân nơi đây đặc biệt quan tâm hoàn thiện đường nội đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân sản xuất, vận chuyển nông sản.

Hay tại xã nông thôn mới Tuy Lộc, người ta không còn thấy những thửa ao, vuông ruộng bé như cái “chiếu nghỉ” giữa trời. Dồn đổi ruộng đất đã góp phần đổi thay vùng quê chiêm trũng. Từ trên đê nhìn khắp vùng, đường giao thông từ nhà ra đồng vuông vức như ô bàn cờ, việc đắp đập be bờ để trồng rau xanh càng làm nổi lên những con đường bê - tông trải dài khắp xã.

Ông Cù Xuân Ân - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Là huyện có xuất phát điểm thấp về hệ thống giao thông nông thôn, nhưng nhờ nỗ lực, nhiều tuyến đường được xây dựng đã tạo nên một diện mạo mới về giao thông nông thôn ở Cẩm Khê.

Nếu năm 2010, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện chỉ đạt 22% thì sau 10 năm đã có hơn 70% đường liên xã, liên thôn được cứng hóa. Huyện đang tiếp tục đầu tư một số tuyến đường liên xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa huyện với các địa phương và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Rời vùng đất giữa Cẩm Khê, chúng tôi đến huyện phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ - nơi gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ dừng chân chăn tằm, dệt lụa - đó là Hạ Hòa. Địa phương này có mạng lưới giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ đến huyện lộ được nhựa hóa 100%; đường liên xã, trục xã được cứng hóa trên 85%.

Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường nông thôn nối quốc lộ 70B đi các khu 6,7,8 đang giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND xã Trương Bình Thụ giới thiệu: Con đường này trước kia chỉ rộng có 3m mặt, có những đoạn là đường ra đồng nên đi lại rất khó khăn. Giao thông không thuận lợi đồng nghĩa với việc kinh tế chậm phát triển. Qua tuyên truyền, vận động, thấy được lợi ích chung, nhiều hộ sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường.

Đường chạy qua phần đất nhà ông Lê Ngọc Phẩm - khu 6, theo thiết kế có chiều dài 2,5km, rộng 5,5m. Đang thu nép những viên gạch xây tường rào còn sót lại và những hàng ngô đang phun cờ mà chính bàn tay ông vừa chặt hạ xuống để tạo mặt bằng làm đường.

Cũng là hiến đất, nhưng hộ anh Hoàng Văn Lập - khu 7 dành 700m2 cắt ngang diện tích đất nhà ở của mình để làm đường. Để đến được nhà anh phải đi quãng đường dài trên con đường bê tông mới được đổ xong tháng trước.

Anh Lập chia sẻ: “Mở rộng đường là việc làm cần thiết mang lại lợi ích chung, hơn nữa đất ở của gia đình tôi nằm ở đường cụt, nếu không hiến thì con đường sẽ không bao giờ được hoàn thành. Bây giờ, đường qua nhà được mở rộng, bê tông sạch sẽ, đi lại dễ dàng, ô tô vào tận ngõ mà cảnh quan trước nhà cũng trở nên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều. Đó là niềm vui, cũng là kết quả mà chúng tôi được hưởng từ sự đóng góp của chính mình”.

Nhìn bao quát một lượt, anh Lập chỉ xuống phần đất nơi chúng tôi đang đứng: “Chỗ này vài tháng trước là cả vườn hoa, rau su hào, bắp cải… chúng tôi trồng làm lương thực và mang ra chợ bán. Đường mở ra đi qua nhà nên cắt đất làm đôi, gia đình nhất trí dỡ bỏ cổng nhà, gian bếp để nhường đất làm đường mà không đòi hỏi việc đền bù”.

Không chỉ ở Việt Trì hay các huyện đồng bằng như Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy mà giờ đây chúng tôi dễ dàng thấy những “ô bàn cờ” giao thông xuyên suốt các huyện vùng đất giữa Cẩm Khê, Thanh Ba hay vùng cao như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập.

Các công trình giao thông được hoàn thiện, đi vào sử dụng đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược.

Việt Hà - Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202107/ky-ii-o-ban-co-tren-dong-ruong-178258