Kỷ luật học sinh: Làm sao để không tạo ra vết đen trên tờ giấy trắng?
Theo đánh giá của một số giáo viên, hiện nay đã có nhiều hình thức kỷ luật học sinh không còn phù hợp, không hiệu quả. Vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử, dẫn đến tác dụng ngược đối với học sinh.
Cần sớm xóa bỏ những biện pháp kỷ luật học sinh đã lạc hậu
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988, được xem đã quá lỗi thời. Dành sự quan tâm đặc biệt đến Dự thảo của Bộ GD&ĐT, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội chia sẻ, là giáo viên, đại đa số các thầy cô đều hành nghề với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm và yêu thương học sinh. Các hình thức kỷ luật học sinh cũng chỉ mong xây dựng nề nếp làm việc hiệu quả, mong các em nên người. Tuy nhiên, nhiều hình thức kỷ luật không còn phù hợp, không hiệu quả, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử, tạo điểm đen trên tờ giấy trắng.
Thầy Mạnh Tùng đã đặt ra sự so sánh giữa quy định cũ với Dự thảo của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Thông tư 08 có 5 hình thức kỷ luật học sinh gồm: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước Hội đồng kỷ luật trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm. Dự thảo khen thưởng, kỷ luật học sinh chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp, tối đa 2 tuần với vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Thông tư 28/ 2020 về Điều lệ trường tiểu học còn nhấn mạnh: "Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh".
Cũng theo thầy Tùng, trong quá trình dạy học, đã thấy những hình thức kỷ luật sau đây là chưa phù hợp, cần thay đổi càng sớm càng tốt: Đánh, véo tai, vụt bằng thước, kéo tóc…; Giáo viên đánh học sinh, yêu cầu học sinh tự đánh, bắt học sinh này đánh học sinh kia… Trường hợp tự ý lấy kéo cắt tóc dài của học sinh cũng là vi phạm thân thể học sinh. Những học sinh bị phạt như vậy về mặt nỗi đau tinh thần có khi còn hơn cả nỗi đau thể xác. Hậu quả thường là học sinh ít hợp tác, lì hơn và không thật sự tiến bộ. Những trường hợp như vậy bị xã hội lên án, phụ huynh phản ứng mạnh cho thấy, dùng bạo lực thể hiện sự bất lực.
"Đối với trường hợp đuổi học sinh ra khỏi lớp, đình chỉ học tập trong tiết học cũng cho thấy đây là hành động có thể gây nguy hiểm và có thể có hậu quả nằm ngoài suy nghĩ của giáo viên. Giáo viên nhiếc móc, mắng mỏ học sinh thậm tệ về mặt tâm lý đó là những nhát dao vô hình, xúc phạm học sinh, coi sự cố gắng của học sinh lâu nay bị phủ nhận. Nếu học sinh bị dồn nén mà phản ứng lại thì có thể cũng bị ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh của mình. Hình thức chép phạt xưa nay chỉ do giáo viên tự áp dụng, cái này không phù hợp, học sinh dễ dẫn đến chép đối phó, gây mất thời gian…", thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ thêm.
Đuổi học thì dễ, cảm hóa được học trò hư mới khó
Cũng dành sự đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kỷ luật học sinh, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi lại tư duy và phương pháp kỷ luật học sinh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay hướng tới một nền giáo dục tiên tiến. Trước hết, cần xóa bỏ chính tư tưởng "yêu cho roi cho vọt" về nghĩa đen, các biện pháp giáo dục kỷ luật hà khắc của thời xưa như bắt quỳ gối, đánh roi… đã quá lạc hậu và không còn phù hợp. Đánh roi chỉ mang tính hiệu quả tức thời làm cho học sinh trật tự, chịu khó chép bài chứ về mặt tâm lý ảnh hưởng nặng nề tới học sinh sợ mắc lỗi, sợ bị phạt.
Lấy ví dụ trong chính ngôi trường của mình, thầy Nguyễn Tùng Lâm kể, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng từ lâu được biết đến là ngôi trường của những học sinh yếu kém, tuy nhiên thực tế vẫn có những em chỉ vì thiếu điểm vào công lập mới phải học trường dân lập, những em này học rất tốt, có em chỉ thiếu chút ít là vào công lập. Do đó, quan điểm giáo dục của nhà trường là không có em học sinh nào hư, các em cần được giáo dục, kèm cặp để trở thành những học sinh ngoan, chịu khó học tập. Hình thức kỷ luật là biện pháp bất đắc dĩ nhất và làm sao để chỉ ra cho học sinh thấy lỗi của mình để cố gắng.
"Học sinh của tôi nhiều em cũng đã đỗ vào đại học tốp đầu, thành công sau này nên điều này chỉ ra rằng việc đình chỉ học sinh hay đuổi học sinh là ngăn chặn cơ hội học tập của các em, đẩy các em ra môi trường xã hội. Giúp học sinh nhận ra quyết điểm mới là khó. Tôi đã từng gặp trường hợp học sinh mắc khuyết điểm nặng, tôi đã nói với em đó rằng thầy đuổi học em đơn giản lắm, nhưng em hãy nhìn mẹ em xem, mẹ em vất vả như thế này cũng vì em mà sống đấy. Từ đó, học sinh đã thay đổi và không còn là một học sinh cá biệt nữa. Nên nếu có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh phải có ý nghĩa giáo dục nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm theo sát học sinh, giúp đỡ, động viên các em chứ không chỉ giao về cho gia đình", thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 3431/BGDĐT-GDCTHSSV gửi các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2020 - 2021. Trong nhóm nhiệm vụ chung, văn bản hướng dẫn các Sở, cơ sở đại học tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV. Xây dựng văn hóa ứng xử, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; các giải pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ HSSV trong học tập, đời sống, tâm lý; hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp…