Kỹ năng dạy học đọc hiểu truyện ngắn theo yêu cầu của SGK Ngữ Văn mới
Chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận truyện ngắn theo đặc trưng thể loại giúp học sinh phát triển năng lực cảm thụ văn học.
Trong bối cảnh chương trình mới đòi hỏi sự đổi mới phương pháp dạy học, việc tiếp cận truyện ngắn theo đặc trưng thể loại không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực cảm thụ văn học mà còn gợi mở cho các em cái nhìn đa chiều về cuộc sống.
Đồng thời, còn là cầu nối giúp học sinh khám phá và hiểu sâu hơn về cuộc sống qua lăng kính văn học. Hiểu rõ đặc trưng thể loại của truyện ngắn là chia khóa để giáo viên có thể truyền tải một cách sinh động và hấp dẫn những giá trị nhân văn, hiện thực đời sống ẫn chứa trong tác phẩm. Điều này càng trở nên cần thiết khi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" tại Việt Nam, và việc giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy truyện ngắn hiện đại theo chương trình 2018 là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Bài viết tập trung hướng một số định hướng dạy học đọc hiểu thông qua các chiến thuật. Qua đó, bài viết làm rõ các chiến thuật với mong muốn không chỉ đáp ứng nhu cầu học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn, góp phần giúp giáo viên thiết kế và thực hiện bài giảng một cách hiệu quả và sáng tạo hơn. Như ai đó từng nói, "Văn chương là tấm gương phản chiếu tâm hồn và đời sống con người," việc dạy truyện ngắn hiện đại chính là cách để soi chiếu và khơi gợi những giá trị ấy trong mỗi học sinh.
Kỹ năng đọc hiểu là những biện pháp, những thủ thuật, những cách thức, thao tác nhất định nhằm dẫn dắt quá trình nhận thức của học sinh để chiếm lĩnh, kiến tạo ý nghĩa của văn bản một cách tích cực, chủ động, hiệu quả. Đây là “bước đệm” quan trọng, là cây cầu nối không thể thiếu để học sinh từng bước trở thành một người đọc độc lập, thuần thục, có kĩ năng và sáng tạo. Nói cách khác, nếu đích đến là hình thành cho học sinh với tất cả các phẩm chất của một độc giả đích thực thì chiến thuật là con đường dần dần, cảm thụ để việc đọc trở nên dễ dàng hơn, độc giả có cơ hội và khả năng làm chủ hành động đọc của mình, cộng hưởng và đồng sáng tạo cùng nhà văn và độc giả thông qua văn bản”.
Chiến thuật “tổng quan về văn bản”
Chiến thuật tổng quan về văn bản giúp học sinh biết quan sát một cách toàn diện những yếu tố liên quan, trước nhất là những yếu tố quan sát được ngay: các yếu tố hình thức, tên nhan đề, bố cục..., để phỏng đoán, đánh giá nội dung văn bản trước khi đọc. Từ đó, làm tri thức nền cho quá trình đọc hiểu được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Cùng với đó là hoạt động giải mã nội dung tư tưởng, học sinh sẽ đặt trong một tình thế: Mình dự đoán đúng hay sai? Điều đó hoạt hóa tính tích cực của học sinh, tránh việc đọc với một tâm thế “mù mờ” về thông tin liên quan.
Cách thức tiến hành:
- Xác định những điều biết sơ bộ về văn bản:
- Nhan đề, các tiêu đề phụ, đề từ,… có gợi lên bất cứ dự đoán, vấn đề, gợi ý những kết nối nào cho học sinh không?...
- Tác giả: Quen thuộc hay lạ lẫm với mình? Có những chi tiết nào trong cuộc đời, sự nghiệp, giai thoại,… giúp mình đọc văn bản tốt hơn? Tác giả còn sống hay đã mất, là tác giả trong nước hay nước ngoài?...
- Thể loại của văn bản: Hiểu biết gì về thể loại này? Cần phải đọc như thế nào thì phù hợp với thể loại văn bản?
- Các “kênh hình” trong văn bản (ở trang bài cuốn sách, phần minh họa bên trong, phần tác giả tự minh họa có gợi lên ấn tượng nào không?
- Những lời giới thiệu, phê bình được trích dẫn ở bìa cuốn sách hoặc phần nhận xét, đánh giá của người biên soạn về tác giả, về văn bản,… có gây chú ý không? Nó giúp chúng ta đưa ra những dự đoán nào về văn bản sẽ đọc không?
- Thời điểm ra đời của văn bản có gì đặc biệt? Tác giả sáng tác trong hoàn cảnh nào? Bối cảnh thời đại khi văn bản ra đời có điều gì cần lưu ý? Thông tin này có giúp ích cho việc đọc văn bản không?...
- Đối tượng hướng tới của văn bản, lời tâm sự của tác giả…
- Các chú thích có giúp ích gì khi đọc văn bản?
Đọc nhanh đoạn mở đầu, sau đó lật qua một số trang, đọc một vài đoạn phần giữa văn bản, đọc đoạn kết thúc để cảm nhận khái quát về văn bản và giọng điệu,… của tác giả. Từ những quan sát sơ bộ ban đầu, hãy đưa ra những suy nghĩ, phỏng đoán ban đầu của bản thân. Dựa vào tất cả các yếu tố trên, hãy đưa ra dự đoán hoặc đánh giá sơ bộ về văn bản sắp đọc.
Lưu ý: Tùy vào văn bản mà học sinh chọn lựa đọc các yếu tố như trên, không nhất thiết văn bản nào cũng đọc tất cả các mục đó.
GV hướng dẫn HS trao đổi với nhau về phần Tri thức ngữ văn trong SGK để nêu những hiểu biết về thể loại.
GV và HS tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Vẻ đẹp của truyện ngắn hiện đại
Chia nhóm nhỏ và giao nhiệm vụ (từ tiết học trước)
Nhóm 1: Tìm hiểu các tri thức về truyện ngắn, truyện ngắn hiện đại.
Nhóm 2: Tìm hiểu các tri thức về câu chuyện và truyện kể. Tóm tắt một truyện ngắn hiện đại mà em đã từng học
Nhóm 3: Chuẩn bị các tri thức về điểm nhìn trong truyện kể
Nhóm 4: Chuẩn bị các tri thức lời người kể chuyện và lời nhân vật
Nhóm 5: Chuẩn bị các tri thức ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Dự kiến bộ câu hỏi và phân hướng:
? Em hiểu thế nào là truyện ngắn hiện đại?
? Tìm và kể lại một truyện ngắn Việt Nam hiện đại mà em đã từng được học.
?Điểm nhìn trong truyện kể là gì? Truyện kể có thể được nhìn theo những điểm nhìn nào?
? Phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết?
Bước 2. Tổ chức tọa đàm theo nhiệm vụ đã phân công
Bước 3. Các nhóm bổ sung
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện
- GV nhận xét và chốt kiến thức.
Kỹ năng “đánh dấu và ghi chú bên lề”
Đánh dấu và ghi chú bên lề là chiến thuật rất hữu hiệu khi dạy học đọc hiểu giai đoạn trong khi đọc. Để nắm được những thông tin cơ bản, cốt lỗi thông qua những “chìa khóa”, “nhãn tự” cùng hệ thống ý một cách khoa học, người đọc làm việc trực tiếp với ngôn ngữ văn bản, qua đó khắc phục được tình trạng học chay, học vẹt theo sách hướng dẫn văn mẫu, đồng thời tạo điều kiện để các em có sự rèn luyện về tư duy logic và rung động thẩm mĩ không tách rời cơ sở của chi tiết, ngôn ngữ nghệ thuật.
Cách thức tiến hành:
- Lựa chọn phần văn bản cần đọc hiểu (hoặc toàn bộ văn bản).
- Xác định mục đích đánh dấu (do GV nêu yêu cầu cụ thể hoặc do bạn đọc học sinh tự đặt ra: đánh dấu để xác định luận điểm chính, để tìm kiếm các chi tiết minh họa, cắt nghĩa, làm sáng rõ luận điểm, tìm kiếm khái niệm then chốt và nội dung minh họa khái niệm, tìm các từ ngữ cụ thể lặp lại trong đoạn văn bản,…
- Đọc lướt phần văn bản cần đánh dấu: GV lưu ý học sinh trong lần đọc này không nên đánh dấu ngay vì khó xác định được thông tin chính xác theo yêu cầu đặt ra do chưa bao quát hết văn bản. học sinh đọc lần thứ hai và đánh dấu bằng bút chì.
- Đọc lướt đã đánh dấu và loại bỏ những từ ngữ không cần thiết để nội dung thật cô đọng; có thể nhắc người đọc nhớ ra toàn bộ văn bản liên quan. Nói chung, các nhà nghiên cứu về đọc thường đưa ra lời khuyên, nếu văn bản càng dài thì nội dung đánh dấu càng cố gắng ngắn gọn. Có thể đánh dấu cả câu nếu đó là câu thể hiện điểm sáng thẩm mĩ.
- Đọc lại phần đã đánh dấu, tiến hành ghi chú bên lề. Trong khi ghi chú có thể sắp xếp phân loại thông tin theo một logic nhất định, hoặc ghi chú bằng các từ ngữ, kí hiệu thể hiện cảm xúc, thái độ, liên tưởng của bản thân,… khi đọc các yếu tố trên.
Lưu ý: Để sử dụng chiến thuật này cho toàn bộ văn bản, GV nên yêu cầu học sinh chuẩn bị ở nhà theo nhiệm vụ cụ thể. GV có thể sử dụng phiếu học tập gồm 02 phần: Nội dung đánh dấu - phần này học sinh ghi lại phần văn bản đã được đánh dấu; Nội dung ghi chú - phần này học sinh thể hiện phần ghi chú bên lề. Hoặc, sử dụng phiếu học tập có một hình chữ nhật nhỏ ở trung tâm thể hiện nội dung/đoạn văn bản cần đánh dấu, ghi chú; bốn phía xung quanh là phần học sinh ghi chú bên lề.
Dưới đây là một số ví dụ về cách sử dụng chiến thuật “đánh dấu và ghi chú bên lề” trong dạy học đọc hiểu văn bản truyện “Bức tranh của em gái tôi”, tác giả Tạ Duy Anh (Ngữ văn 6, Kết nối tri thức tập 1).
Ví dụ về tổ chức hoạt động khởi động (trong giờ học):
Bước 1: Xác định các sự việc chính và kể lại câu chuyện
GV căn cứ vào năng lực của HS để lựa chọn một trong hai cách:
- Yêu cầu HS tóm tắt truyện, từ đó kể lại câu chuyện.
- Đưa ra các sự việc chính nhưng đảo trật tự và yêu cầu HS phải sắp xếp lại theo trật tự đúng. Trên cơ sở đó, HS sẽ kể lại câu chuyện.
Bước 2: Xác định nhân vật chính và người kể chuyện (ngôi kể)
GV hướng dẫn HS xác định nhân vật chính và người kể chuyện qua các câu hỏi gợi mở:
- Truyện gồm những nhân vật nào?
- Nhân vật chính là ai? (em gái, anh trai hay cả hai). Vì sao, người đó lại được chọn là nhân vật chính?
- Truyện được kể bởi ai? (nhà văn hay một nhân vật trong truyện).
Bước 3: Phân tích nhân vật người anh trai
- GV tổ chức cho HS làm việc cá nhân liệt kê các chi tiết diễn biến tâm trạng của người anh trai qua 4 thời điểm: Trước khi thấy bức tranh em vẽ, khi tài năng hội họa của em được phát hiện, khi lén xem những bức tranh em vẽ, khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em.
- GV tổ chức HS làm việc nhóm 4 HS thảo luận về 3 câu hỏi:
+ Vì sao sau khi tài năng hội họa của em gái mình được phát hiện, người anh lại có tâm trạng không thể thân với em gái mình như trước được nữa?
+ Khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi”, người anh “thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ”. Theo em, vì sao người anh lại có những tâm trạng này?
+ Câu nói mà người anh định nói với mẹ “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy.” đã cho biết điều gì về sự thay đổi của người anh và gián tiếp khẳng định vẻ đẹp nào của em gái?
Bước 4: Đánh giá chung về ý nghĩa, đặc sắc nghệ thuật và rút ra các điểm cần lưu ý khi đọc hiểu truyện ngắn hiện đại
GV hướng dẫn HS khái quát truyện qua câu hỏi:
- Qua nhân vật người anh trai, tác giả muốn thể hiện điều gì? (Ý nghĩa)
- Nếu để nhân vật khác (ví dụ: mẹ, chú Tiến Lê,...) kể câu chuyện này (mà không phải là người anh trai) thì hiệu quả / tác dụng của câu chuyện có thay đổi gì không? Vì sao?
GV hướng dẫn HS rút ra cách đọc hiểu VB truyện: Từ đặc điểm của thể loại truyện đã học đầu giờ, kết hợp với những hoạt động đọc hiểu VB, theo em, cần phải chú ý những gì khi đọc hiểu một VB truyện?
Trong hoạt động đọc hiểu trên ví dụ đã phối hợp nhiều hình thức, phương pháp dạy học để tổ chức: tóm tắt truyện, vấn đáp, thảo luận nhóm.
Kỹ năng “cuộc giao tiếp văn học”
Cuộc giao tiếp văn học tạo ra kết nối khi đọc hiểu văn bản. Đó là những kết nối được xuất phát từ tính liên văn bản, tính đa trị, yếu tố chứa nhiều điểm nhìn của tác phẩm văn chương hay đặc trưng của tư duy của con người. Theo đó, các kết nối đa chiều: văn bản với văn bản, văn bản với hiện thực đời sống, văn bản với trải nghiệm cá nhân của học sinh và kết nối nội tại thông qua kênh giao tiếp, đối thoại quan trọng nhất là bạn đọc học sinh và tiếng nói của nhà văn. Các cuộc giao tiếp nghệ thuật này cũng góp phần hình thành tư duy phê phán cho học sinh. Chiến thuật này được thực hiện thông qua hình thức GV hướng dẫn học sinh hoàn thành phiếu học tập theo mô hình “n điểm nhìn”.
Cách thức tiến hành:
- Xác định vấn đề chính yếu hoặc một câu hỏi lớn được đặt ra, một thông điệp nghệ thuật khái quát được phát biểu, một khái niệm then chốt hoặc một câu thơ, một câu văn hàm chứa tư tưởng nghệ thuật, quan điểm thẩm mĩ,... của văn bản.
- Xác định quan điểm, câu trả lời, cách kiến giải... từ các nhân vật trong văn bản, từ văn bản khác và từ cá nhân học sinh với tư cách là người đang tham gia vào cuộc giao tiếp văn học.
- Sau khi hoàn thành vắn tắt, học sinh thảo luận, chia sẻ ý kiến trong cuộc giao tiếp với GV và học sinh khác.
GV yêu cầu học sinh hoàn thành phiếu cuộc giao tiếp văn học
GV yêu cầu HS làm phiếu kết nối kiến thức tổng hợp (cá nhân)
- Text to text: Văn bản “Vợ nhặt” làm em liên tưởng, nhớ đến những tác phẩm nào?
- Text to self: Cảm nhận của em và những thông điệp em nhận được sau khi học văn bản “Vợ nhặt”
- Text to world: Văn bản “Vợ nhặt” gợi cho em nhớ tới điều gì ở trên thế giới?
-Thời gian: thực hiện ở nhà
Lưu ý: Trong cuộc giao tiếp này, cách nhìn, cách phát biểu của mỗi tác giả (qua văn bản) có thể đồng điệu, cũng có thể khác biệt,... tất cả đều được tôn trọng; Với văn bản nghệ thuật, cuộc giao tiếp là đối thoại văn chương, đối thoại thẩm mĩ. GV cũng có thể dạy đọc hiểu cho các văn bản văn học sử, đặc biệt là các bài ôn tập; Việc lấy dẫn chứng ở các điểm nhìn cần lưu ý: lấy những dẫn chứng quen thuộc đối với học sinh (đã được học hoặc đã biết), nếu xa lạ cần đưa ra trích dẫn cụ thể, tránh dài dòng lan man.
Việc vận dụng các chiến thuật này trong dạy học Ngữ văn sẽ giúp học sinh trở thành người có năng lực đọc, đồng thời biết ứng dụng năng lực đó vào thực tiễn học tập và sinh hoạt hàng ngày, góp phần bồi dưỡng và phát triển được năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Tác phẩm truyện ngắn là sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ. Do vậy, GV khi vận dụng sự đa dạng hóa các kênh để kích hoạt sự tái hiện, liên tưởng và tưởng tượng của HS cần được tư duy từ đặc trưng này để lựa chọn phù hợp, tạo cơ hội để suy tôn sự tinh tế và kì diệu của thế giới nghệ thuật ngôn từ thay vì triệt tiêu khả năng hình dung, liên tưởng và tưởng tượng của người học. Bởi lẽ, thực tiễn dạy học truyện ngắn đã chỉ ra, nhiều tác phẩm do GV vận dụng kênh hình, công nghệ chưa hợp lí,…đã làm tê liệt năng tiếp nhận của HS (từ tri năng lực giác ngôn,…đến năng lực đánh giá).
Đây là nội dung được các nhà nghiên cứu phương pháp dạy học văn quan tâm nhắc nhớ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp: “Văn chương là thế giới của cảm xúc, của tâm hồn nên việc dàn dựng hoạt động bên trong của học sinh, việc vật chất hóa hoạt động của người học là một công việc vô cùng tế nhị, phức tạp cần được nghiên cứu và ứng dụng thận trọng”.