Kỹ năng làm toán, đọc hiểu của thanh, thiếu niên nhiều nước thấp chưa từng có

Kỹ năng làm toán và đọc hiểu của thanh thiếu niên ở nhiều quốc gia thấp đến mức chưa từng có.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ngày 5/12 (giờ địa phương), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả khảo sát tiêu chuẩn học tập toàn cầu mới nhất. Theo đó, kỹ năng làm toán và đọc hiểu của thanh thiếu niên ở nhiều quốc gia thấp đến mức chưa từng có.

OECD cho biết, một phần nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều trường học đóng cửa trong thời gian đại dịch COVID-19.

Cuộc khảo sát trên được thực hiện vào năm 2022 với gần 700.000 thanh, thiếu niên ở 38 quốc gia thành viên OECD và 44 quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Trong cuộc khảo sát, các thanh thiếu niên đã làm một bài kiểm tra kỹ năng làm toán, đọc hiểu, khoa học kéo dài 2 giờ.

Kết quả cho thấy so với năm 2018, tại các nước thành viên OECD, hiệu suất đọc đã giảm trung bình 10 điểm và kỹ năng làm toán giảm 15 điểm. Mức giảm này tương đương với việc giảm 3/4 khối lượng học tập bình thường của thanh thiếu niên trong một năm.

Nghiên cứu cho thấy trung bình trên toàn các nước thành viên OECD, cứ 4 học sinh 15 tuổi có 1 học sinh có thành tích kém ở môn toán, đọc và khoa học. Điều này có nghĩa là các học sinh này không thể làm các phép tính cơ bản và giải thích các văn bản đơn giản.

Theo kết quả khảo sát, học sinh ở Singapore đạt điểm cao nhất trong bài thi kiểm tra kỹ năng làm toán, đọc hiểu, khoa học.

Các vùng lãnh thổ Ma Cao, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Estonia và Canada đều đạt thành tích tốt về môn toán và khoa học.

Ở môn đọc cũng như kỹ năng đọc hiểu, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nhận được điểm số cao nhất.

Ông Andreas Schleicher - Giám đốc Giáo dục của OECD - cho biết: “COVID-19 có thể đã có tác động nào đó dẫn đến kết quả này, nhưng tôi không nghĩ đó là yếu tố quyết định... Có những yếu tố về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường ảnh hưởng đến kết quả này. Nhiều khả năng chúng sẽ là những đặc điểm lâu dài trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét nghiêm túc các yếu tố này”.

Theo OECD, nguyên nhân của vấn đề này còn là do tình trạng học sinh dùng điện thoại để giải trí tăng cao và nhiều trường học thiếu giáo viên, Reuters đưa tin.

Nhật Lê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ky-nang-lam-toan-doc-hieu-cua-thanh-thieu-nien-nhieu-nuoc-thap-chua-tung-co-post497826.html