Kỹ năng toán và đọc hiểu của thanh thiếu niên trên thế giới suy giảm chưa từng thấy

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về hiệu quả học tập kể từ năm 2000, khi tổ chức này bắt đầu tiến hành các cuộc kiểm tra định kỳ đối với các kỹ năng đọc hiểu, toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi.

Trong năm 2022, gần 700.000 thanh thiếu niên tại 38 quốc gia (là thành viên của OECD) và 44 quốc gia (không phải thành viên của OECD) đã thực hiện bài kiểm tra kéo dài hai giờ đồng hồ. Kết quả bài kiểm tra được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ như một phép so sánh quốc tế về hiệu quả giáo dục.

 Ở các nước OECD, cứ 4 học sinh 15 tuổi thì có 1 học sinh không thể sử dụng các thuật toán cơ bản hoặc giải nghĩa các văn bản đơn giản. Ảnh: Reuters

Ở các nước OECD, cứ 4 học sinh 15 tuổi thì có 1 học sinh không thể sử dụng các thuật toán cơ bản hoặc giải nghĩa các văn bản đơn giản. Ảnh: Reuters

Kết quả cho thấy điểm đọc hiểu của học sinh ở các nước OECD đã giảm trung bình 10 điểm so với năm 2018, trong khi kết quả môn toán giảm trung bình 15 điểm. Mức giảm này tương đương với 3/4 giá trị học tập của một năm.

Theo dữ liệu của OECD, hơn một nửa trong số 82 quốc gia được khảo sát ghi nhận điểm số sụt giảm. Trong đó, Đức, Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan ghi nhận điểm số môn toán giảm mạnh đặc biệt.

Nghiên cứu cho thấy trung bình ở các nước OECD, cứ 4 học sinh 15 tuổi thì có 1 học sinh có thành tích kém ở môn toán, đọc hiểu và khoa học, điều đó có nghĩa là các em không thể sử dụng các thuật toán cơ bản hoặc giải nghĩa các văn bản đơn giản.

Giám đốc giáo dục của OECD Andreas Schleicher cho biết: “Covid có thể là một phần nguyên nhân nhưng tôi sẽ không đánh giá quá cao ảnh hưởng của nguyên nhân này. Có những yếu tố cấu trúc cơ bản và nhiều khả năng chúng sẽ là những đặc điểm lâu dài của hệ thống giáo dục của chúng ta mà các nhà hoạch định chính sách nên thực sự xem xét nghiêm túc”.

 Điểm trung bình của các nước OECD giảm mạnh. Ảnh đồ họa: OECD

Điểm trung bình của các nước OECD giảm mạnh. Ảnh đồ họa: OECD

Trong thời gian đóng cửa trường học vì dịch COVID-19, các quốc gia có cung cấp hỗ trợ cho giáo viên có điểm số cao hơn và kết quả nhìn chung tốt hơn những nơi khác. Điểm số kém hơn thường xảy ra ở những nơi có tỉ lệ sử dụng điện thoại di dộng để giải trí cao hơn, cũng như ở các trường học đang trong tình trạng thiếu giáo viên.

OECD cho biết sự suy giảm này là không thể tránh khỏi, đồng thời chỉ ra Singapore, nơi học sinh đạt điểm cao nhất trong các môn toán, đọc và khoa học, với kết quả cho thấy các em trung bình đi trước các bạn cùng lứa trong OECD từ 3 đến 5 năm.

Sau Singapore, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác vượt trội về môn toán và khoa học bao gồm Ma Cao (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra Estonia và Canada cũng đạt điểm cao.

Trong môn đọc hiểu, CH Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đạt điểm cao nhất. Trong đó CH Ireland và Nhật Bản được đánh giá cao vì chi tiêu cho mỗi học sinh của họ không cao hơn mức trung bình của các nước thành viên OECD.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-nang-toan-va-doc-hieu-cua-thanh-thieu-nien-tren-the-gioi-suy-giam-chua-tung-thay-post275397.html