KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ BÁO, NHÀ NGOẠI GIAO LÝ VĂN SÁU (5-11-1924 - 5-11-2024): Mãi nhớ về nhà báo Lý Văn Sáu
Báo Thắng - Báo Khánh Hòa đã đi qua chặng đường hơn 77 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Trong suốt hành trình đó, tình cảm, lòng tri ân của các thế hệ những người làm Báo Khánh Hòa đối với các bậc tiền bối đã có công đặt nền móng xây dựng tờ báo vẫn trước sau như một. Cùng với các ông Nguyễn Minh Vỹ (tên thật Tôn Thất Vỹ), Võ Văn Sung, Nguyễn Sung (nhà thơ Giang Nam)..., tên tuổi của nhà báo Lý Văn Sáu vẫn mãi được ghi nhớ, là tấm gương sáng để những người làm Báo Khánh Hòa hôm nay và mai sau noi theo.
Báo Thắng - nơi bắt đầu sự nghiệp làm báo của nhà báo Lý Văn Sáu
Trung tuần tháng 4-1946, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị mở rộng ở thôn Đại Điền Đông (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và đưa ra nghị quyết về việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh, lấy tên là Báo Thắng. Tên gọi tờ báo thể hiện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, khí thế cách mạng của quân và dân Khánh Hòa lúc bấy giờ. “Không ai nghi ngờ gì cả, trong cuộc kháng chiến này, chúng ta nhất định thắng, mà nếu lấy tên tờ báo là “Nhất định thắng” thì dài quá, nên cuối cùng đã chọn là Thắng” (trích lời kể của ông Nguyễn Minh Vỹ trong cuốn Chúng tôi làm Báo Khánh Hòa). Sau một năm chuẩn bị, ngày 26-4-1947, Báo Thắng đã ra số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh). Buổi đầu, đội ngũ làm Báo Thắng chỉ có 5 người: Ông Nguyễn Minh Vỹ - nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm Báo Thắng; ông Lý Văn Sáu - chịu trách nhiệm nội dung và được xem là chủ bút của Báo Thắng; các ông Nguyễn Xuân Ẩm, Lê Hân, Huỳnh Thẩn chịu trách nhiệm trình bày, in ấn, cất giữ vật tư cho Báo Thắng. Mấy tháng sau khi phát hành số báo đầu tiên, Báo Thắng được bổ sung các ông Võ Văn Sung và Nguyễn Sung.
Với vai trò phụ trách nội dung cho tờ Báo Thắng, ông Lý Văn Sáu đã bước những bước đầu tiên trên con đường trở thành một nhà báo lớn của đất nước. Những ngày đầu làm Báo Thắng, nhà báo Lý Văn Sáu thu thập thông tin từ đài phát thanh tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và từ báo cáo của các địa phương để viết bài, đưa tin. Đồng thời, ông cũng là người trực tiếp biên tập tin, bài của những người khác. Sau này, khi kể về những ngày tháng không quên đó, nhà báo Lý Văn Sáu vẫn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp: “Để làm ra Báo Thắng, ngoài nỗ lực của đội ngũ làm báo, còn có công sức của đồng bào yêu cách mạng. Bia đá được lấy từ Diên Khánh gùi lên núi; giấy trắng, mực in và ống ru lô in được các cơ sở ở nội thành Nha Trang mua, gửi lên. Giấy phải mua từng phần một chứ không thể mua nhiều cùng một lúc, nhiều phụ nữ đã phải bó giấy vào đùi rồi lấy dây cột lại để qua các trạm gác mà không bị địch phát hiện. Xăng dầu được thu gom rồi đựng vào trong ống tre nứa gùi lên chiến khu để chạy máy nổ thu tin tức phục vụ cho việc làm báo… Báo in xong lại được chuyển về các huyện và Nha Trang. Sự ra đời của Báo Thắng là một cố gắng lớn, không phải của một hay một nhóm người, mà là của hàng chục, hàng trăm người có tên và không tên, là kết quả của một hệ thống tổ chức tinh vi và có hiệu quả, từ chiến khu xuống nông thôn, về thành thị và ngược lại…” (trích lời kể của nhà báo Lý Văn Sáu trong sách Chúng tôi làm Báo Khánh Hòa).
Ngay sau khi tờ Báo Thắng ra đời đã nhận được sự yêu mến, đón nhận và bảo vệ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Sự động viên về tinh thần và cả vật chất của người dân từ thành thị đến nông thôn đã cổ vũ những người làm Báo Thắng để hết số báo này đến số báo khác, nhà báo Lý Văn Sáu cùng “ê kíp” của mình miệt mài mang đến những thông tin bổ ích, nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ và quyết tâm đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân. Nhờ thành tích góp phần làm nên tờ Báo Thắng, nhà báo Lý Văn Sáu cùng hai ông Huỳnh Thẩn, Lê Hân được tổ chức xét công nhận trở thành đảng viên chính thức trước khi hết thời hạn dự bị. Đối với ông Lý Văn Sáu, đây là phần thưởng đặc biệt mà tổ chức đã dành tặng ông trong hành trình đi theo con đường cách mạng của bản thân. Có thể thấy, nhà báo Lý Văn Sáu là người góp công lớn trong việc hình thành nên tờ Báo Thắng - tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay. Cũng chính từ tờ Báo Thắng là nơi bắt đầu tạo nên chân dung một nhà báo Lý Văn Sáu nhiệt huyết, yêu nghề. Để sau này, dù có giữ những cương vị cao ở những cơ quan báo chí lớn của Đảng, Nhà nước song nhà báo Lý Văn Sáu vẫn luôn dành tình cảm sâu sắc với Báo Khánh Hòa.
Tự hào tiếp bước nhà báo Lý Văn Sáu
Lịch sử đã đi qua mấy chục năm, nhưng bây giờ mỗi lần nhắc đến câu chuyện “Ba đứa Khánh Hòa”, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy sự thú vị, cái nghĩa, cái tình sâu nặng của ba ông Lý Văn Sáu - Nguyễn Minh Vỹ - Võ Văn Sung. Chuyện kể lại rằng, từ tháng 11-1968 đến 9-1973, nhà báo Lý Văn Sáu là Ủy viên, cố vấn Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Tại đây, với khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, tư duy sắc bén, hóm hỉnh, cùng khẩu khí của một nhà ngoại giao, nhà báo tài ba đã giúp “người phát ngôn” Lý Văn Sáu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gây được ấn tượng tốt đẹp cho giới truyền thông Pháp và thế giới theo dõi Hội nghị Paris. Cũng tại hội nghị quan trọng này, nhà báo Lý Văn Sáu đã được gặp lại 2 người đồng chí, người bạn, người anh em từ những ngày làm tờ Báo Thắng là ông Nguyễn Minh Vỹ, Võ Văn Sung - thành viên của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày tháng tham gia hội nghị ở thủ đô ánh sáng, mỗi người đảm nhận những công việc khác nhau. Để rồi, trong ngày đặc biệt 27-1-1973, lễ ký chính thức Hiệp định Paris được diễn ra thì “bộ ba” phóng viên Báo Thắng đều có mặt trong sự kiện quan trọng này của đất nước. Khi hiệp định chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ được ký, cả 3 ông đều hồi hộp, sung sướng xiết bao. Sau lễ ký, vừa bước ra khỏi phòng họp, ông Nguyễn Minh Vỹ đã ôm chầm lấy hai ông Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung rồi nói: “Ba đứa Khánh Hòa chúng mình”, ý nói cả 3 người từng hoạt động cách mạng cùng nhau ở vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa, nay lại gặp nhau trong ngày vui của đất nước. Sau này, khi kể lại câu chuyện trên, ông Võ Văn Sung cho rằng: “Cuộc hội ngộ này, không chỉ của ba cái anh Khánh Hòa gặp nhau, mà còn là của ba cựu phóng viên Báo Thắng hội ngộ ở thủ đô ánh sáng”.
Ngày 1-11, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu - Một tấm lòng son sắt. Đây là hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025); 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2025) và nhân 100 năm ngày sinh nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (5-11-1924 - 5-11-2024). Buổi tọa đàm là dịp để tri ân về những đóng góp, cống hiến của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu - một người tài năng, nhiệt huyết, đức độ và giàu tình cảm.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp nhà báo Lương Kiên Định - nguyên Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa, người từng được gặp các ông Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung và được ông cho biết: “Đối với tôi, nhà báo Lý Văn Sáu để lại ấn tượng là một người hết sức yêu nghề, luôn quan tâm đến sự phát triển của tờ báo. Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, chúng tôi lại đến thăm nhà báo Lý Văn Sáu để được nghe ông kể kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên trong những ngày làm báo ở chiến khu Hòn Dữ và lần nào ông cũng rất hào hứng kể lại những câu chuyện như mới ngày hôm qua. Sau này, khi chúng tôi gửi Báo Khánh Hòa ra cho nhà báo Lý Văn Sáu, ông luôn đọc một cách rất cẩn thận, tỉ mỉ, có động viên, cũng như thường xuyên đóng góp những ý kiến hay để cải tiến, nâng cao chất lượng tờ báo. Những thế hệ làm Báo Khánh Hòa luôn kế tục sự nghiệp của những người làm Báo Thắng, đó là truyền thống vượt khó, yêu nghề, luôn mong muốn phát triển tờ báo để phục vụ kháng chiến, phục vụ công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước”.
Nhìn lại chặng đường gần 80 năm, ngày nay, tờ Báo Khánh Hòa đã đổi mới một cách toàn diện và phát triển nhanh chóng để cập nhật với tình hình thời sự, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Báo Khánh Hòa đã trở thành tờ báo Đảng địa phương tương đối mạnh cả về lực lượng, nội dung, hình thức. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, Báo Khánh Hòa cũng là tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Tự hào về những điều đó, các thế hệ làm Báo Khánh Hòa luôn nhớ mãi về những người đã đặt nền móng đầu tiên cho tờ Báo Thắng trong chiến khu, cũng như Báo Khánh Hòa ngày nay. Đối với nhà báo Lý Văn Sáu, các thế hệ làm Báo Khánh Hòa hôm nay và mai sau luôn noi gương, học tập ở ông lòng yêu nghề, tâm huyết với tờ báo. Sự ghi nhớ, tri ân đó được cụ thể hóa bằng chính hành động không ngừng nỗ lực phát triển Báo Khánh Hòa ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Nhà báo Lý Văn Sáu tên thật là Nguyễn Bá Đàn, quê gốc ở thôn Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Ông sinh ngày 5-11-1924, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Đương thời, ông vốn hiếu học, thông minh, sáng dạ và may mắn được gia đình cho ăn học đến bậc tú tài đệ nhị ở Trường Quốc học Huế. Từ rất sớm, ông đã được những cán bộ Việt Minh giác ngộ, vậy nên, từ năm 20 tuổi, ông đã sôi nổi tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông Lý Văn Sáu lên đường Nam tiến và được tổ chức phân công nhiệm vụ tham gia kháng chiến tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Trong những ngày kháng chiến ở Khánh Hòa, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ty Thông tin Khánh Hòa, sau đó làm Báo Thắng. Đến đầu năm 1948, ông Lý Văn Sáu được tổ chức cử ra Quảng Ngãi tham dự hội nghị thông tin Liên khu V và được tham gia lớp học do đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp tập hợp và giảng dạy. Năm 1949, ông công tác ở Liên khu 5 và được giao trọng trách Giám đốc Đài Phát thanh tiếng nói miền Nam (Liên khu 5). Về sau, ông được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ ở nhiều cương vị khác nhau như: Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Văn hóa ở Ban Thống nhất Trung ương; Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam); Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam…