Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2024): 'Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng'
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, quan tâm xây dựng bộ máy các cơ quan Tòa án nhân dân ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945.
Bác căn dặn cán bộ, Thẩm phán Tòa án phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, sâu sát quần chúng nhân dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; học tập chính sách của Chính phủ để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ công tác; trong xét xử phải công bằng, liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân.
Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật
Trong hành trình bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người.
Người khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Cốt lõi giá trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người, vì đất nước, vì dân tộc.
Đó là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Đây cũng là bản chất của nền tư pháp, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo tư tưởng của Bác.
Ngay trong những ngày đầu của chính quyền nhân dân, dân chủ cộng hòa, trong điều kiện khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Nhà nước, đang chỉ đạo, lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc; nhưng vẫn dành cho công tác tư pháp, hoạt động tư pháp sự quan tâm sâu sắc.
Cách đây 79 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C, thành lập các Tòa án quân sự.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Tòa án và từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của TAND.
Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tư pháp, mà không những thế còn phải nêu cao tấm gương thực hiện những tiêu chí đó cho nhân dân noi theo.
Ðã là người cán bộ Tòa án, thì phải “Phụng công”, là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ Tòa án phải “Thủ pháp” là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, cho “Chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật. “Chí công vô tư” là không nghĩ đến mình trước, phải đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Đảng, lên trên hết, trước hết, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, mình vì mọi người, công tâm trong sáng.
Với người cán bộ Tòa án, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói phải luôn “Phụng công, thủ pháp”, ngày nay chúng ta càng thấy ý nghĩa thiết thực.
Cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm phán Tòa án nhân dân quy định rõ ràng về phẩm chất người cán bộ Tòa án là: “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa” và Điều 13 quy định: “Thẩm phán phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật”.
“Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Ðảng dìu dắt.
Song song với tinh thần kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Ðảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc. Bác nhắc nhở cán bộ tư pháp về phương châm xử lý cán bộ vi phạm pháp luật: “Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công”.
Một phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ Tòa án là “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tại Hội nghị cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ.
Theo Bác, người cán bộ Tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ Tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.
Năm 1950, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, lớp nghiên cứu chính trị, pháp lý cho gần 100 cán bộ tư pháp từ liên khu 5 trở ra đã được tổ chức tại một cánh rừng ở chiến khu Việt Bắc. Lớp học vinh dự được Bác Hồ đến thăm và căn dặn nhiều điều quý báu. Sau khi phân tích sự khác biệt giữa Tòa án của ta và của đế quốc, Bác nói: Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn.
Những quan điểm chỉ đạo của Bác đã mở đầu cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất ở nước ta trên cơ sở quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tăng cường cán bộ công – nông, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, rèn luyện “óc pháp lý mới”.
Sau đó, Bộ Tư pháp đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự án Sắc lệnh Cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng với những mục đích rất rõ ràng là bộ máy tư pháp cần được “dân chủ hóa”, “để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng cần được hợp lý và giản dị hơn”.
Với ý nghĩa đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta.
Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác căn dặn: Cán bộ Tòa án cần góp phần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc...
Ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thực sự, muốn đoàn kết thực sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình. Ðoàn kết sẽ giúp sức mạnh tập thể được nhân lên, giúp các cá nhân vượt qua mọi khó khăn, có sức mạnh đoàn kết thì việc khó mấy cũng vượt qua được.
Người còn chỉ rõ, Tòa án muốn làm tốt cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, với các cơ quan tư pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng và nhân dân giao cho.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn lịch sử, những quy định về Tòa án nhiều lần được cải cách, sửa đổi đã dần hoàn thiện và nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thông qua hoạt động xét xử, TAND đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Chặng đường 79 năm đã qua, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, các thế hệ cán bộ, công chức TAND đã và đang ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ pháp chế XHCN.
Để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên hệ thống Tòa án ngày nay tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với khẩu hiệu thi đua "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" với phương châm "Gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân" để TAND thật sự là công cụ sắc bén của Nhà nước pháp quyền XHCN, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.
Trải qua quá trình lịch sử, Tòa án cách mạng Việt Nam đã được hình thành và không ngừng lớn mạnh gắn liền với công lao của Hồ Chủ tịch. Những tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh về một nền tư pháp hiện đại đã được quán triệt trong việc thiết lập hệ thống Tòa án cách mạng Việt Nam. Hiệu quả hoạt động của Tòa án trong suốt quá trình cách mạng đã chứng minh giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ thống Tòa án.
Trong giai đoạn đổi mới hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng lại càng có giá trị, là kim chỉ nam dẫn đường để công cuộc cải cách tư pháp của đất nước ta đạt được nhiều thành tựu mới.