Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020: Những việc bạn cần làm ngay sau khi biết điểm thi

Chỉ còn chưa đến một ngày là teen 2K2 sẽ được biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 rồi đấy! Sau khi nhận được giấy báo điểm thi teen mình vẫn còn rất nhiều đầu việc cần thực hiện đấy.

Những mốc thời gian bạn cần phải nắm

27/8: Dự kiến trả kết quả thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020.

4/9: Hạn cuối lên trường nhận học bạ, Giấy tốt nghiệp tạm thời, các loại Giấy chứng nhận khác.

5/9: Hạn cuối đăng ký phúc khảo.

9/9 - 18/9: Thời gian điều chỉnh nguyện vọng.

11/9 - 20/9: Thời gian trả kết quả phúc khảo.

27/9: Công bố kết quả xét tuyển đợt 1.

3/10: Hạn cuối xác nhận nhập học đợt 1.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

4 việc bạn cần làm ngay sau khi nhận điểm

1. Kiểm tra lại điểm của mình thật kĩ

Đôi lúc việc chấm bài cũng có vài sai sót, vì thế nếu teen cảm thấy điểm thi lệch hơn 0,5 điểm so với tính toán thì hãy đăng kí phúc khảo nhé! Tuy nhiên nên nhớ phúc khảo cũng là con dao hai lưỡi vì bài thi của bạn sẽ phải qua tay thêm hai giám khảo và đa số các trường hợp điểm số vẫn giữ nguyên, thậm chí có thể bị hạ.

Bạn Tú Anh (Quận 1, TP.HCM) sẵn sàng phúc khảo nếu thấy điểm số chưa chính xác: “Phúc khảo là để trả bài thi về với đúng điểm số của nó, nên nếu có phúc khảo thì dù lên hay xuống điểm tớ cũng không bứt rứt vì đó là con điểm tương ứng với năng lực của tớ.”

2. Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ cần thiết

Sau khi đã kiểm tra và khớp điểm, tiếp theo chắc chắn là đến thủ tục nhập học. Sau khi công bố điểm chuẩn, các trường ĐH cũng sẽ có danh sách thí sinh trúng tuyển và thời gian để các thí sinh lên trường xác nhận nhập học.

Bạn Vũ Thu Thảo (cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết: “Giấy tờ thường sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của từng trường Đại học. Vì thế, mình sẽ lên trang web trường để xem hướng dẫn làm hồ sơ và những loại giấy tờ yêu cầu. Sau đó, mình sẽ ghi chú lại hạn nộp và tới trường cấp ba làm thủ tục rút học bạ, giấy tốt nghiệp và giấy xác nhận đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Cuối cùng, mình sẽ làm các bản sao y công chứng căn cước công dân, chứng chỉ tiếng Anh và giấy khai sinh, đi chụp ảnh thẻ để đính kèm vào hồ sơ nếu cần thiết.”

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

3. Chuẩn bị xét tuyển đợt 2 nếu lỡ trượt

Nếu trong đợt đầu xét tuyển bạn không may mắn trượt tất cả các nguyện vọng đã đăng ký thì cũng đừng buồn. Từ tháng 8/2020 nhiều trường sẽ thông báo tuyển sinh bổ sung cho những ngành không đủ chỉ tiêu trong lần xét tuyển đầu tiên nên bạn vẫn còn cơ hội. Nhớ thường xuyên theo dõi thông báo từ trường nha.

Ngoài ra bạn cũng đừng bỏ qua kì thi Đánh giá Năng lực vào ngày 30/8 để xí tấm vé “vớt” vào giảng đường Đại học. Nếu may mắn vẫn không mỉm cười với bạn, hãy nhớ rằng đại học chỉ là một trong rất nhiều lối đi trong cuộc đời. Bạn có thể nộp hồ sơ lại vào năm sau hoặc rẽ một hướng đi mới cho bản thân như học nghề, gap year, đi làm…

4. Giữ tâm lí thoải mái và đi chơi cùng bạn bè

Năm qua chắc chắn bạn đã ôn thi vô cùng vất vả và có một khoảng thời gian “đứng ngồi không yên” chờ điểm chuẩn. Vì thế, sau khi biết điểm, hãy “đi chill” với bạn bè cho thư giãn đầu óc, đồng thời tự thưởng cho bản thân sau “12 năm đèn sách” để có thể bắt đầu một hành trình mới thật trọn vẹn.

Bạn Hương Quỳnh (cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cũng cho rằng: “Sau khi đã biết sẽ vào được trường mơ ước, chắc chắn mình sẽ cùng bạn bè đi chơi một bữa cho thật sảng khoải, sau đó bắt đầu năm học mới ở ngưỡng cửa đại học với thật nhiều niềm vui!”

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Checklist cơ bản khi đăng kí nhập học

- Giấy báo nhập học

- Bản chính và bản sao học bạ THPT có chứng thực

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời

- Bản sao giấy khai sinh đã công chứng

- Bản photo thẻ Căn cước công dân đã công chứng

- Ảnh nhỏ 3x4 hoặc 4x6 (ít nhất 4 ảnh)

- Hồ sơ học sinh sinh viên

- Một ít tiền để đóng các loại phí

Quy Bi - Ngân Hồ

TỔNG HỢP

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-doi-song/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2020-nhung-viec-ban-can-lam-ngay-sau-khi-biet-diem-thi-1711696.tpo