Kỳ tích ở Bản Pàu

Chúng tôi theo con đường mới đổ bê tông phẳng lỳ men theo dòng suối Chăn rồi uốn lượn qua cánh đồng lúa, len lỏi vào từng căn nhà. Ở giữa thôn là nhà văn hóa khang trang vừa khánh thành đủ chỗ sinh hoạt, hội họp cho 200 người. Cả 2 công trình ấy giờ trở thành niềm tự hào của người dân thôn Bản Pàu (xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn) khi nói về tinh thần đồng sức, đồng lòng vì việc chung.

55 ngày làm đường liên thôn

Từ năm 2015, Bản Pàu đã hoàn thành các tuyến đường trục thôn đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, các xóm dân cư mới hình thành trong những năm qua khi dãn dân kéo theo nhiều tuyến đường mới mở chưa được đổ bê tông, trời mưa thì lầy lội khiến việc đi lại rất vất vả. Trước nguyện vọng của người dân trong thôn, tranh thủ các cuộc họp ở xã, Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đề nghị được bố trí thêm nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hoàn thành 1,2 km đường ngõ xóm. Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ - La Xuân Thắm cho biết: Trong khi nhiều thôn khác gặp khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng và huy động sức dân làm đường thì ở Bản Pàu không gặp bất cứ vướng mắc nào, vì vậy khi phân bổ nguồn vốn xã rất yên tâm.

Tuyến đường ngõ xóm được đổ bê tông trong 55 ngày.

Tuyến đường ngõ xóm được đổ bê tông trong 55 ngày.

Nhận được sự tin tưởng từ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, Bí thư Chi bộ Hoàng Quang Tuyến bàn với Trưởng thôn Hoàng Văn Đô tổ chức họp thôn và thống nhất người dân tự đứng ra thi công. Theo đó, 114 hộ trong thôn mỗi hộ góp 1 lao động, sau đó chia tổ phụ trách từng đoạn đường và tổ trưởng là các đảng viên. Các tổ thi đua vượt tiến độ yêu cầu. Tổ thi công nhanh chỉ mất 4 ngày hoàn thành, tổ chậm nhất cũng chỉ lâu hơn 1 ngày. Với quy mô tuyến đường tương tự, ở các thôn khác nếu người dân thi công sẽ mất gần 3 tháng nhưng người dân Bản Pàu chỉ mất 55 ngày. Không chỉ hoàn thành với thời gian nhanh kỷ lục, tuyến đường này còn được thi công với chi phí thấp.

Bí thư Chi bộ thôn - Hoàng Quang Tuyến cho biết: Khoản định mức hỗ trợ của nhà nước được sử dụng để mua máy trộn bê tông, dầu máy, dụng cụ phục vụ thi công và sau khi hoàn thành tuyến đường vẫn dư một ít được sử dụng vào việc làm nhà văn hóa thôn. Đó là chưa kể đến việc máy trộn bê tông sau đó trở thành tài sản của thôn, khi hộ nào có việc có thể mượn về dùng.

Nhiều năm qua, Bản Pàu được biết đến là điển hình của xã trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhiều đoạn đường trước đây là lối mòn thì nay được mở rộng đủ để xe ô tô đi được. Người dân ai cũng hiểu rằng có đường mới không chỉ giúp đi lại thuận tiện mà còn có thêm cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đi một vòng quanh thôn, chúng tôi không khó để nhận ra những khu vườn, góc sân của người dân không còn rộng rãi, vuông vắn bởi nhiều hộ đã nhường đất cho những con đường bê tông mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Xây nhà văn hóa thôn trong 5 ngày

Đang trong những ngày hè, mỗi buổi chiều, lũ trẻ ở Bản Pàu có thêm một điểm vui chơi mới là khuôn viên nhà văn hóa thôn. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tuyến bảo, mang tiếng là nông thôn nhưng trẻ em ở đây không còn bãi đất trống nào để vui chơi cho đến khi có sân nhà văn hóa này. Các cuộc họp của thôn trước đây không có chỗ tổ chức và sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ bị hạn chế vì phải tổ chức tại nhà dân. Nay thì mọi chuyện đã khác, nhà văn hóa khang trang gần 120 m2, chưa kể khuôn viên rộng rãi, nằm ở trung tâm thôn là điểm sinh hoạt lý tưởng của bà con.

Theo cơ chế hỗ trợ chung của tỉnh, mỗi nhà văn hóa thôn được hỗ trợ 70 triệu đồng. Mức hỗ trợ này phù hợp với những thôn có sẵn địa điểm, không mất kinh phí giải phóng mặt bằng. Để sử dụng tối đa khoản hỗ trợ cho phần xây dựng, nhiều thôn lựa chọn quỹ đất còn trống của thôn hoặc bãi ruộng bỏ hoang, tuy nhiên có một điểm chung là những địa điểm ấy nằm xa trung tâm thôn, không tiện cho việc sinh hoạt của người dân. Muốn tìm được được mảnh đất ở trung tâm thôn để làm nhà văn hóa chỉ có cách vận động người dân hiến đất, nhưng cũng khó để hộ nào đó “cho không” cả trăm mét vuông đất.

May mắn ở Bản Pàu là khi vấn đề này được nêu tại cuộc họp chi bộ thôn, đảng viên 30 năm tuổi đảng Lương Văn Lốt đã đồng ý hiến mảnh ao của gia đình để thôn san lấp lấy mặt bằng làm nhà văn hóa. Như trút được gánh nặng, ngay hôm sau, Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đã ngồi tính toán chi ly vật liệu, nhân công. Khí thế đang lên, Trưởng thôn nói chắc nịch: Nếu đầy đủ vật liệu và huy động tốt nhân lực thì chỉ cần 1 tuần là làm xong!

Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, điều cần nhất là có đội thợ xây đông đảo mà Bản Pàu lại đang sẵn bởi nhiều thanh niên trong thôn đã học qua lớp dạy nghề xây dựng được tổ chức tại xã. Trưởng thôn Hoàng Văn Đô cũng là một thợ xây giỏi được cử luôn làm Đội trưởng đội xây. Anh Đô nhanh chóng lập danh sách 40 thợ xây khá nhất vào đội của mình. Phụ nữ và những thanh niên còn lại phụ trách vận chuyển vật liệu. Do làm trên nền đất mượn nên phần móng được gia cố kỹ và mất trọn 1 ngày. Những ngày sau đó, việc xây bốn bức tường như một thước phim quay nhanh. Đến ngày thứ 4 thì mọi phần xây dựng thô đã hoàn tất.

Kể cho chúng tôi nghe về công trình đầy tự hào của thôn, Bí thư Chi bộ thôn vẫn còn nguyên sự hồ hởi khi nghĩ đến khí thế hăng hái và nhiệt tình của người dân trong thôn: Anh có tưởng tượng được không khi một công trình nhà văn hóa mà có đến 40 thợ xây chính làm việc liên tục, có ngày xây hết cả vạn gạch. Đấy là còn phải chờ xe chở cát vào công trình bị chậm, nếu không có thể rút ngắn thêm nửa ngày nữa. Tiến độ được tính theo từng ngày. Để tiết kiệm tối đa thời gian, khi làm giàn giáo, thôn sử dụng cùng lúc 500 cây tre dựng đủ các vị trí để không phải mất công tháo chỗ nọ lắp sang chỗ kia.

Một giám đốc doanh nghiệp đang quản lý công trình gần đó khi qua thôn cũng phải thán phục với tiến độ xây dựng “thần tốc” của người dân Bản Pàu.

Khởi công sau nhiều nhà văn hóa thôn khác nhưng khi Bản Pàu khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thì nhiều nhà văn hóa thôn khác vẫn đang còn dang dở. Bí thư Chi bộ thôn cho biết, công trình không chỉ được xây dựng với thời gian nhanh kỷ lục mà còn đảm bảo an toàn, tiết kiệm và chất lượng. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước, người dân chỉ góp công sức và không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/ky-tich-o-ban-pau-z36n20200805150709307.htm