Ký ức Tết Trường Sơn

Những chàng trai 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' ngày ấy năm nay đã ở tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng ký ức của 'một thời hoa lửa', về mùa Tết đầy gian khó chứa chan tình đồng chí, đồng đội thì vẫn vẹn nguyên.

Tết với những món ăn của núi rừng

Những ngày cuối năm, đợi mãi mới có vài sợi nắng chiếu vội, không đủ xua tan cái lạnh cắt da. Trụ sở của Đoàn 559, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai đóng tại Nhà văn hóa đường Hồng Hà, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) nằm ngay cạnh chợ Cốc Lếu. Phiên chợ cuối năm nào cũng vậy, luôn ken kín người mua bán. Trụ sở hội hôm nay cũng rộn ràng, náo nức bởi những người lính Trường Sơn năm xưa cùng tụ hội về đây, bao kỷ niệm những ngày Tết trong quân ngũ cứ theo ký ức tìm về.

Những người lính Trường Sơn ôn lại kỷ niệm ngày Tết ở chiến trường.

Những người lính Trường Sơn ôn lại kỷ niệm ngày Tết ở chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tân, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai khi ấy còn là cậu học sinh lớp 10 Trường cấp 3 Cam Đường, mặc dù sức khỏe chỉ ở hạng B2 nhưng vẫn viết lá đơn bằng máu xin ra trận với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đầu năm 1968, anh được nhập ngũ và tham gia các đợt huấn luyện rồi hành quân vào Nam và biên chế vào Binh trạm 35, Đoàn 559, đóng quân tại Bắc Sê Ta Mán thuộc nước bạn Lào. Đơn vị có nhiệm vụ cấp cứu thương binh, cứu chữa những ca bị sốt rét ác tính, khám - chữa bệnh thông thường cho bộ đội và cả nhân dân Lào gần nơi đóng quân. Công việc của quân y thời chiến lúc nào cũng bận rộn, nhiều thời điểm địch bắn phá nên việc “căng như dây đàn”.

Tết đầu tiên xa nhà của chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Tân và đồng đội là cái Tết đầy ắp kỷ niệm. Đời lính mỗi người một vùng quê, nên những tục lệ ăn Tết, chơi Tết của “tứ phương” cứ nối nhau trong nỗi nhớ. “Thấm lắm cái cảm giác vừa bỡ ngỡ vừa nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương... Càng gần đến ngày Tết, nỗi nhớ ấy càng dâng lên…”, ông Tân tâm sự.

Tết thời chiến nói đúng hơn là Tết tinh thần vậy, chứ vật chất thì thiếu thốn lắm. Tranh thủ những giờ rỗi việc, cả trạm mỗi người “một chân, một tay” chuẩn bị Tết cho bộ đội cũng như thương bệnh binh. Người vào rừng hái hoa về trang trí; người đi kiếm hoa chuối, rau rừng về cải thiện; người vào rừng săn thú nhỏ…

Ngồi kế bên, cựu chiến binh Vũ Xuân Minh, phường Cốc Lếu cũng không giấu được xúc động về những ngày xưa cũ. Trong ký ức của người lính già, năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết, rừng Trường Sơn như tĩnh mịch, thâm u hơn. Gần đến giao thừa, mọi người đều dừng tất cả mọi công việc ngồi chờ đón thời khắc thiêng liêng của trời đất và lòng người. Tiếng ra-đi-ô rè rè phát đi lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng cảm động, nước mắt rưng rưng. Kế đó là những câu chuyện chiến đấu ở các chiến trường, rồi cả đội cùng nắm tay trong bài hát kết đoàn... Một năm mới bắt đầu. Một năm mới vẫn với những công việc, nhiệm vụ cũ cho chiến dịch chống đế quốc Mỹ gian nan và trường kỳ nhưng với một khí thế mới, hào hùng và quyết tâm hơn.

“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

Xin mượn lời thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong “Tiểu đội xe không kính” để nói về sự lạc quan, tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính Trường Sơn. Với họ, dẫu biết con đường phía trước là bom rơi, đạn nổ, là hiểm nguy trong từng gang tấc nhưng cũng không ngăn được bước chân của người lính ra trận. Chiến tranh là thế, ác liệt trong từng giây phút, nên những cái Tết trọn vẹn rất hiếm hoi. Nhiều lần chưa kịp trao gửi nhau lời chúc năm mới thì lại phải lao vào nhiệm vụ. Xót xa hơn, không ít lần, đồng đội vừa quây quần bên nhau cùng kể câu chuyện về quê hương, gia đình, cùng chuẩn bị bữa ăn ngày Tết thì phút sau đã vĩnh viễn gửi lại tuổi thanh xuân nơi núi rừng Trường Sơn hùng vỹ.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Tước, phường Thống Nhất (thành phố Lào Cai)nhớ về những kỷ niệm thời chinh chiến.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Tước, phường Thống Nhất (thành phố Lào Cai)nhớ về những kỷ niệm thời chinh chiến.

Cựu xạ thủ pháo phòng không 12,7 ly bảo vệ đường Trường Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tước, hiện trú tại phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai, đôi mắt bỗng rưng rưng. Vào Tết năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới, Tiểu đoàn 9A, Đoàn 338 của ông gồm 1.000 người được lệnh hành quân cấp tốc vào Nam. Tối 30 Tết, cả đơn vị hạ trại tại dốc Cao Bồi (Quảng Trị). Đang trên đường hành quân nên cái Tết thật đơn sơ. Sáng sớm mùng 1 Tết, đoàn quân được lệnh tiếp tục lên đường. Ngày đông, buổi sớm thấm đẫm sương mai, những bước chân rắn rỏi nện trên tầng lá mục. Bỗng trên bầu trời có tiếng máy bay B57 của địch gầm rú, rồi “mưa bom” thả xuống, những thân cây to bị đánh bật gốc, chém ngang thân đổ rầm rầm. Trong trận bom hôm ấy, 4 đồng đội của ông Tước đã hy sinh…

Khi máy bay địch rời đi, nén đau thương, đoàn quân tiếp tục lên đường. Đúng là càng đau thương, mất mát, càng đối mặt với vô vàn hiểm nguy, những người lính Trường Sơn lại càng kiên cường, vững chí, để những hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội không uổng phí. Như ông Nguyễn Ngọc Tước sau này 2 lần cùng đồng đội bắn rơi máy bay bay thấp F4 của Mỹ.

Trong ký ức của những người lính Trường Sơn, bên kia chiến tuyến cũng chăm lo cho ngày Tết nên bộ đội ta tranh thủ hành quân “thần tốc” vào chiến trường. Cựu chiến binh Phạm Kính, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nhập ngũ tháng 4/1968, chủ yếu tham gia phục vụ chiến dịch Nam Lào. Là lính công binh, tiểu đội của ông Kính thường xuyên rà phá bom, mở đường, lái máy xúc, xe tải tại Trà Lỳ, A Trót (Quảng Trị). Những ngày Tết, cả tiểu đội nhận được lệnh làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, trung bình mỗi người trong đội phá và xúc 27 khối đất để mở đường/ngày, người khỏe, có kỹ năng nhất thực hiện được hơn 40 khối. “Tôi nhớ Tết năm 1973, sau ngày dài làm việc, chúng tôi trở về doanh trại đón giao thừa. Sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước là những tin thắng trận ở các chiến trường, đặc biệt là Hiệp định Paris đã được ký kết. Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc, thế là Mỹ sắp rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam, ngày non sông thu về một mối không còn xa nữa…”.

Chiến trường đêm ngày ác liệt, những cái Tết của lính Trường Sơn cũng vì thế ngắn ngủi nhưng quý giá vô cùng. Với họ, đó mãi mãi là những khoảnh khắc đẹp nhất đời lính, là nguồn động lực lớn để họ vững chí, bền gan tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp phần làm nên những chiến công huyền thoại.

Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/ky-uc-tet-truong-son-z1n2020010912474351.htm