Ký ức xúc động nơi tiền tuyến của nghệ sĩ - chiến sĩ Như Bình

Mỗi khi có dịp trở lại với ký ức thời thanh niên sôi nổi, NSƯT Như Bình như trẻ ra cả chục tuổi cùng những câu chuyện xúc động chưa bao giờ phai mờ.

Màn múa 'Bắc Nam sum họp' do NSƯT Như Bình biên đạo được biểu diễn trong lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Màn múa 'Bắc Nam sum họp' do NSƯT Như Bình biên đạo được biểu diễn trong lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Năm ấy, dù mới bước sang tuổi 17, NSƯT Như Bình đã có mặt ở Quảng Trị để cùng đồng chí, đồng đội biểu diễn phục vụ đồng bào hai bên chiến tuyến, bị chia cắt bởi dòng Bến Hải.

“Chúng tôi ra tiền tuyến với tinh thần của tuổi mười tám đôi mươi chẳng nề hà bom rơi, đạn nổ. Mỗi lần làm lễ xuất quân luôn là những lời chào tiễn biệt có thể không bao giờ gặp lại…”, NSƯT Như Bình xúc động chia sẻ.

Sợ gì “thần sấm”, “con ma”

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng NSƯT Như Bình vẫn ghi chép và nghiên cứu về nghệ thuật múa. Ảnh: Bình Thanh.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng NSƯT Như Bình vẫn ghi chép và nghiên cứu về nghệ thuật múa. Ảnh: Bình Thanh.

NSƯT Như Bình sinh năm 1939 ở xã Minh Đức, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Năm 14 tuổi ông được tuyển vào Đoàn văn công Trung ương (sau là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Đến nay, ông đã có 70 năm gắn bó với nghệ thuật múa và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ; Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì thế hệ trẻ, Bằng khen của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Mỗi khi có dịp trở lại với ký ức thời thanh niên sôi nổi, NSƯT Như Bình như trẻ ra cả chục tuổi cùng những câu chuyện xúc động chưa bao giờ phai mờ trong ông.

Cách đây gần 70 năm, năm 1956, chàng thanh niên Như Bình đang ở độ tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” đã có tên trong đoàn văn công xung kích của Đoàn văn công Trung ương.

Ngay trước Tết, Như Bình cùng đồng chí, đồng đội hành quân vào Quảng Trị và điểm dừng chân là cầu Hiền Lương (Hiền Thành, Vĩnh Linh). Ngày ngày, đoàn nghệ sĩ biểu diễn phục vụ đồng bào ở hai bờ chiến tuyến.

Bằng những vũ điệu hào hùng, quả cảm, các nghệ sĩ - chiến sĩ ấy đã hăng say thắp lửa tinh thần lạc quan chiến thắng giặc xâm lăng của nhân dân. Những Tết sau đó (1957, 1958, 1959), Như Bình sẵn sàng gác lại giây phút đoàn tụ đầm ấm bên gia đình để xung phong ra tiền tuyến, lấy tiếng hát, điệu múa cổ vũ đồng bào giữ vững ý chí chiến đấu, góp sức bảo vệ non sông. Với anh, đó là sứ mệnh cao cả của những người con thời chiến.

Từ năm 1964, giặc Mỹ ném bom ra miền Bắc và rêu rao sử dụng vũ khí tối tân, trong đó có những siêu tiêm kích hiện đại nhất lúc bấy giờ, được mệnh danh là “thần sấm” (F-105) và “con ma” (F-4).

Lúc đó, ở tuổi ngoài đôi mươi, Như Bình tiếp tục có mặt trong đoàn văn công xung kích của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam để cống hiến và chiến đấu, sợ gì “thần sấm” hay “con ma”.

Các đợt xung kích này thường lên đường từ trước Tết, biểu diễn từ Quảng Bình vào đến Quảng Trị và dừng chân ở địa đạo Vịnh Mốc (xã Kim Thạch, Vĩnh Linh). Trên đường hành quân, mỗi người một vai đeo lựu đạn, súng AK còn vai kia thì tòng teng đạo cụ là… súng gỗ, lựu đạn gỗ.

Bữa ăn thường sắn độn nhiều hơn cơm nhưng chẳng ai chùn bước. Còn nhớ, trong lần hành quân qua phà sông Gianh, đoàn phải mất 5 đêm mới qua được sông. Lần thì xếp hàng muộn, lần thì gặp pháo sáng nổ rực trời, lần thì phải ưu tiên cho đoàn xe quân sự... Đến lần thứ 5, mọi người chia nhau sang sông, hẹn gặp giữa những tiếng bom rơi, đạn nổ…

Đến Quảng Bình, khâm phục tài năng và ý chí của đồng nghiệp, giữa trận địa lửa vẫn có thể sáng tạo những tiết mục xuất sắc như như “Vợ chồng dân quân với cây súng trường” (biên đạo: Phùng Nhạn, âm nhạc: Xuân Tứ); “Gặp nhau bên mâm pháo” (biên đạo: Thúy Quỳnh, Mạnh Hùng, Anh Nghiêm, âm nhạc: Nguyễn Đình Phúc), Như Bình đã đắm mình trong từng vũ điệu tràn đầy khí phách quật cường mà cao cả, quang vinh.

“Chúng tôi cùng tái hiện sự hiệp đồng chiến đấu với giặc trời của lính cao xạ pháo, anh hải quân và cô dân quân trong tiết mục múa “Gặp nhau bên mâm pháo”. Người phất cờ lệnh, người nạp đạn, người ngắm mục tiêu, cả ba căng mắt theo dõi những chiếc máy bay sắp bổ nhào vào trận địa pháo thì bóp cò tiêu diệt chúng.

Giây phút hóa thân ấy vô cùng xúc động và hãnh diện, tự hào. Nhất là sau buổi biểu diễn, chúng tôi được bộ đội pháo cao xạ tặng câu thơ dù chưa chuẩn vần nhưng chứa đựng lòng biết ơn vì qua mỗi tác phẩm nghệ thuật đã khơi dậy tinh thần chiến đấu dũng cảm để làm nên chiến thắng: “Ngày mai bắn máy bay rơi/ Chiến công một nửa của người múa hát hay””, NSƯT Như Bình nhớ lại.

Ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, dù phải lom khom trong địa đạo Vịnh Mốc để biểu diễn tiết mục “Tuần đuốc” song Như Bình cùng các đồng chí, đồng đội vẫn say sưa hóa thân vào nhân vật.

Như Bình đóng vai tên trộm mánh khóe mà có không ít sơ hở rất ngây ngô nên đặc biệt thu hút khán giả nhí. Đám trẻ con nằm ở từng ngăn trong địa đạo vừa xem vừa tường thuật lại, tiếng của chúng va đập vào vách vang vọng như động viên thêm các nghệ sĩ biểu diễn thăng hoa hơn.

Rồi có những buổi biểu diễn vô cùng xúc động khi khán giả là các chiến sĩ lái tàu không số ngày mai ra trận. Sau mỗi đêm diễn, nghệ sĩ được nhận những chiếc dù pháo sáng hay quả bom bi đã hết thuốc của các cảm tử quân.

Lời chào tạm biệt của những người chiến sĩ lái tàu không số: “Chúng tôi là một thành viên của Tiểu đoàn 307, đêm nay, chúng tôi ra khơi. Được xem các đồng chí biểu diễn những tiết mục múa hào sảng và nghe nghệ sĩ Quốc Hương hát bài “Tiểu đoàn 307”, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và cũng là hiệu lệnh để lên đường, tiếp tục tiếp bước truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn 307” đã tiếp thêm sức mạnh cho những nghệ sĩ, chiến sĩ mới ngoài đôi mươi như Như Bình.

Từ đó, họ thêm quý, thêm yêu, thêm sáng tạo từng vũ điệu và hết lòng cống hiến cho nghệ thuật, dù có khi vô cùng gian khổ, nguy hiểm, đến giờ nghĩ lại vẫn lạnh người…

“Mỗi lần xung kích, chúng tôi luôn xác định không hẹn ngày trở về. Vậy nhưng, thật may mắn khi vẫn đủ 12 nghệ sĩ có mặt ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1968, tôi vinh dự được là thành viên đoàn văn công phục vụ Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau đợt biểu diễn đặc biệt ấy, đoàn đã sang Italy, Algéria, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc biểu diễn và được đón chào, khen ngợi. Ngày 18/7/1969, đoàn vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Đây là phần thưởng thiêng liêng, vô giá đối với cuộc đời tôi!”, NSƯT Như Bình nói.

NSƯT Như Bình (người cầm loa) tổng đạo diễn Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/1995). Ảnh tư liệu.

NSƯT Như Bình (người cầm loa) tổng đạo diễn Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/1995). Ảnh tư liệu.

Tự học để cống hiến

Sau những tháng ngày xung kích nơi chiến trường, năm 1971, Như Bình được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô cùng 7 văn nghệ sĩ khác. Để có được sự tín nhiệm này, cùng với tinh thần tuổi trẻ dám dấn thân nơi chiến tuyến, Như Bình không ngừng miệt mài tự học.

Để bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ, cảm thụ, tối thứ 2 và thứ 5 hằng tuần, ông đến giảng đường đại học để học thêm văn học. Ông cũng tự học tiếng Nga và bước đầu có thể giao tiếp.

Lúc được tập trung đào tạo ở Trường Đại học Văn hóa, ông luôn chú tâm tự rèn và đã đạt điểm tốt nghiệp lớp 10 cao thứ 2. Từ đó, cơ hội được rộng mở, nhất là khi ông đã được Nhà nước cử ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ, kiến thức rồi trở về phục vụ nhân dân.

Cùng đồng nghiệp vác vali đi bộ lên ga Đồng Đăng rồi đi tàu gần 2 tuần, đoàn học viên đã đến Học viện Sân khấu quốc gia Lunasaxki ở Mátxcơva để học tập. “Lớp này chỉ mở luân phiên 2 năm một lần và phải học bổ túc ngôn ngữ một năm, nên nếu vậy mình bị lỡ mất…”, nghĩ vậy, Như Bình liền bày tỏ nguyện vọng quyết tâm được học ngay.

Trước nguyện vọng tha thiết đó, hội đồng nhà trường yêu cầu đoàn học viên Việt Nam phải tham gia tuyển sơ loại về hình thể rồi thi chuyên môn từ khả năng thẩm thấu âm nhạc đến khả năng biểu diễn.

Cuối cùng, họ chỉ chọn một người, đó là Như Bình, song là dự bị, nếu không theo được thì đành phải chuyển khóa sau. Được toại nguyện với ước mơ nên Như Bình không thể bỏ lỡ cơ hội và cũng cần phải khẳng định được khả năng để không còn trong diện dự bị.

Vì thế, ông càng nỗ lực tự học để theo kịp chúng bạn. Trong vòng một năm được cô giáo trực tiếp dạy tiếng Nga vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, ông đã có thể nghe hiểu về chuyên môn để đến năm thứ 3 thì làm chủ được ngôn ngữ, kể cả việc phân tích kịch bản… Sau 5 năm tu luyện, ông luôn đạt điểm xuất sắc, được bạn bè nể trọng.

“Tôi đã may mắn khi bắt gặp rồi nắm giữ cơ hội bằng việc quyết tâm “đốt cháy giai đoạn” để không phải qua một năm dự bị cũng như phải chờ 2 năm sau mới có thể học lớp biên đạo. Trong suốt quá trình học tập, tôi luôn cố gắng vượt khó để không phụ lại sự tin tưởng của các giáo sư”, NSƯT Như Bình chia sẻ.

Cũng trong thời gian học tập tại đây, ông đã tích cực tham gia dàn dựng 2 tác phẩm múa Việt Nam cho Đoàn nghệ thuật Anh hùng mang tên Lốc-chép. Đây là chương trình biểu diễn lấy tiền quyên góp xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội.

Được góp phần công sức của mình để gửi món quà nhỏ cho các em thiếu nhi nơi quê nhà là niềm hạnh phúc và kỷ niệm đặc biệt đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Như Bình.

Vừa trò chuyện, NSƯT Như Bình vừa say sưa nhớ lại những vũ điệu trong tiết mục 'Tuần đuốc' mà ông biểu diễn dưới địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lúc tuổi đôi mươi. Ảnh: Bình Thanh.

Vừa trò chuyện, NSƯT Như Bình vừa say sưa nhớ lại những vũ điệu trong tiết mục 'Tuần đuốc' mà ông biểu diễn dưới địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lúc tuổi đôi mươi. Ảnh: Bình Thanh.

Năm 1977 trở về nước, NSƯT Như Bình bắt tay vào xây dựng tác phẩm múa và dần khẳng định khả năng, tên tuổi của mình. Có thể kể đến “Bình minh đà điểu”, “Bắc Nam sum họp”, “Cảm tử quân”, “Giấc mơ than”, “Mẹ Suốt”… Nhất là các tác phẩm được giải B của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam như “Ngọn cờ chiến thắng” và chương trình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/1995).

Hoặc như năm 2000, tác phẩm “Mê Linh anh hùng” đạt giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; năm 2013, tác phẩm “Huyền thoại Yang Bay” được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Ngoài ra, ông còn làm tổng đạo diễn chương trình Giỗ tổ Hùng Vương tại Berlin (Đức, 2017); tham gia và đạt giải cao nhất Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức cũng như cuộc thi tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.

Hai điệu nhảy do ông biên đạo là “Nhịp điệu Tây Bắc” và “Sức sống trẻ Thủ đô” đã được giới thiệu, phổ cập đến nhiều địa phương. Ngoài ra, khi có thời gian, NSƯT Như Bình còn tích cực tham gia giới thiệu về việc tìm hiểu nghệ thuật nhảy múa (có minh họa) ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Câu lạc bộ Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên tỉnh đoàn Gia Lai Kon Tum, Trường Đại học Sư phạm Huế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Câu lạc bộ Thanh niên Hà Nội...

Năm nay dù đã bước sang tuổi 84 nhưng nhiệt huyết cống hiến của người nghệ sĩ - chiến sĩ năm xưa trong NSƯT Như Bình vẫn luôn ăm ắp. Trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện, cùng với những ký ức xúc động dâng đầy, người nghệ sĩ lão thành này còn thường xuyên đánh nhạc rồi múa minh họa, như thể ông vẫn đang biểu diễn trên mặt trận xung kích năm xưa...

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-uc-xuc-dong-noi-tien-tuyen-cua-nghe-si-chien-si-nhu-binh-post632908.html