Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021

Theo khảo sát do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) công bố mới đây, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh,…

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh LienVietPostBank.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh LienVietPostBank.

Theo khảo sát do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) công bố mới đây, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh,…

Những tín hiệu lạc quan

Trong báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 mới đây của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm 2021 trong khoảng từ 13% - 14%. Cơ sở nhận định nêu trên của SSI Research là sự phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc-xin Covid-19 thành công; sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng và việc tái khởi động tài chính tiêu dùng. Khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cũng cho thấy, hầu hết các TCTD đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh,…

Các TCTD tham gia khảo sát cho biết, sẽ tiếp tục tập trung cho vay vào những lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng. Ðồng thời, các TCTD cũng dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất và các chi phí khác trong sáu tháng đầu năm để hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Tại Chỉ thị số 01-CT/NHNN ngày 7-1-2021 do Thống đốc NHNN ban hành cũng đã nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2021, là điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. "Ðặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa và NHNN định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng" - Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nhấn mạnh.

Thận trọng để nâng cao chất lượng

Như vậy có thể thấy, tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn khi nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cho nên không còn khả năng đáp ứng đầy đủ quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng. Trước thực tế đó, một số ngân hàng đã thực hiện nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng này và một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Thậm chí, không ít ngân hàng chuyển sang cho vay dựa trên quản lý dòng tiền thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cho biết, trước mắt các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay lĩnh vực nông, thủy sản,… Theo Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Phương Ðông (OCB) Nguyễn Ðình Tùng, năm 2021, ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tín dụng tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu như doanh nghiệp nhỏ và vừa và sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chia sẻ, năm 2021, LienVietPostBank tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ và tập trung cho vay các sản phẩm đang là thế mạnh của ngân hàng như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao,... Bởi đây là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho vay khá hiệu quả góp phần giúp LienVietPostBank có một năm kinh doanh khá thành công.

Nhìn nhận khả năng tăng trưởng tín dụng đạt 12% như mục tiêu của NHNN đặt ra tại Chỉ thị số 01 là hoàn toàn khả thi, song Tiến sĩ Nguyễn Ðức Ðộ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính cũng lưu ý các NHTM phải quan tâm đến vấn đề nợ xấu, nhất là việc cho vay dưới chuẩn. "Ðúng là có một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 như hàng không, vận tải,... thì nên xem xét có cơ chế linh động. Nhưng còn với những lĩnh vực khác thì phải cân nhắc không nên cho vay dưới chuẩn. Nếu không, nợ xấu sẽ gia tăng mạnh trong tương lai" - Tiến sĩ Nguyễn Ðức Ðộ lưu ý. Ðồng thời khuyến nghị, quy mô tín dụng trên GDP đang ở mức cao và ngày càng tăng chứng tỏ doanh nghiệp vay nợ càng nhiều, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng gặp khó khăn rất dễ trở thành nợ xấu.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 cải thiện hơn so với năm trước ở mức từ 12-13%, do các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Nhất là, khả năng chống chịu các cú sốc của các ngân hàng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh doanh tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, hiệu quả của các gói hỗ trợ, sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch gồm cả khâu sản xuất, phân phối vắc-xin và mức độ khôi phục kinh tế của các nước trên thế giới. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú cũng cho biết, NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% song đây là con số định hướng điều hành chứ không cố định.

Do vậy, nếu tình hình dịch bệnh ổn định và ngành sản xuất, kinh doanh cần nhiều vốn thì ngành ngân hàng sẵn sàng mở rộng và ngược lại. Ngoài ra, NHNN sẽ tạo điều kiện để cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng và an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống. Tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất, kinh doanh, các dự án có sức lan tỏa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ky-vong-tang-truong-tin-dung-nam-2021-635437/