Lai Châu thúc đẩy kết nối hạ tầng thương mại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đang thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 773⁄KH-UBND về thực hiện Quyết định số 259⁄QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh với các tỉnh Tây Bắc và với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các cửa khẩu, lối mở biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương biên giới trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân biên giới, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật an toàn xã hội khu vực biên giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ với kế hoạch phát triển các cửa khẩu; đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, trạm kiểm soát liên hợp, trụ sở làm việc và nhà ở công vụ cho các lực lượng quản lý nhà nước; khuyến khích, thu hút đầu tư chợ cửa khẩu, trung tâm thương mại, bến bãi tập kết phương tiện và hàng hóa, kho ngoại quan, kho đông lạnh, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm,… đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, cửa khẩu U Ma Tu Khoòng và lối các lối mở biên giới.
Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ biên giới đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới; ưu tiên phát triển các khu (điểm) chợ có khả năng phát triển thành các cặp chợ biên giới như: Pô Tô (Việt Nam) - Cửa Cải (Trung Quốc); Sì Choang (Việt Nam) - Dền Suối Thàng (Trung Quốc).
Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tại chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, kho, bến bãi tập kết phương tiện hàng hóa… nắm được các quy định liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới.
Kế hoạch tập trung vào một số nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; kết nối, hợp tác phát triển thương mại biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới./.