Lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay vẫn cao

Trong khi lãi suất huy động liên tục giảm mạnh thì lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao.

Ồ ạt giảm lãi suất huy động

Làn sóng giảm lãi suất huy động bắt đầu diễn ra từ tháng 2/2023. Theo đó, các mức lãi suất trên 10% đã không còn xuất hiện trên thị trường. Tính đến ngày 17/5, hầu như tất cả các ngân hàng đều đã nhập cuộc giảm lãi suất, trong đó có những ngân hàng giảm nhiều lần, thậm chí có ngân hàng giảm 2 lần trong chưa đầy 1 tuần như trường hợp MSB. Theo thông báo, từ ngày 16/5, MSB giảm 0,2 điểm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất huy động cao nhất về còn 7,6%/năm. Trước đó, ngân hàng này cũng đã giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 12/5. Tương tự, Techcombank cũng giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5.

Hiện mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,6%, dành cho khách VIP1 gửi số tiền từ 3 tỷ trở lên. Tại VPBank, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã đồng loạt giảm 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 – 13 chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 – 36 tháng giảm về 7,2%/năm. TPBank cũng giảm 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được TPBank áp dụng là 7,8%, dành cho khách gửi tiền online...

Lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 - 2% ở tất cả kỳ hạn. Việc lãi suất huy động liên tục giảm được cho là vì các nhà băng đã “không chịu được nhiệt” sau thời điểm tăng nóng dẫn đến việc chi trả lãi suất tăng vọt. Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Trong đó, có 9 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.

Lãi suất huy động liên tục giảm sâu.

Lãi suất huy động liên tục giảm sâu.

Ngân hàng kêu “áp lực”

Tuy nhiên, dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, nhưng lãi suất huy động vẫn đang cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước dịch. Điều này cũng khiến lãi suất cho vay chưa giảm theo tương xứng và chủ yếu rơi vào một số ông lớn. Có thể điểm danh như Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.

Lý giải về việc lãi suất cho vay hiện còn cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch COVID-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 ngàn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao. Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống, nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Cùng với đó, áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất. Ngoài ra, NHNN đã cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn tức là tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thu nợ khi đến hạn trong khi TCTD vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

“Theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, hoặc TCTD chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận”, NHNN thông tin và cho biết thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các TCTD triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/lai-suat-huy-dong-giam-manh-lai-suat-cho-vay-van-cao-i693870/