Lãi suất tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
ng thái hạ lãi suất lần thứ 3 trong 9 tháng vừa qua là để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sẽ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Bởi vì thứ nhất, lãi suất cao hơn khiến nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất nhiều hơn thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán. Thứ hai, lãi suất cao hơn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng cho các hoạt động đầu tư và gia tăng lợi nhuận của mình, chi phí tài chính cao hơn cũng ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Bàn đạp từ “động thái” hạ lãi suất liên tục
Tại tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng 21/10, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, năm 2020 là một năm đầy biến động, thị trường chứng khoán đã chứng kiến thời điểm thị trường tăng, giảm mạnh đặc biệt trong quý I do ảnh hưởng của Covid-19. VN-Index giảm 33% trong quý I/2020.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi khá tốt và có thể nói là tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Thị trường chứng khoán gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP. Nhờ sự phục hồi cả về chỉ số, quy mô và nội lực cũng như diễn biến của dòng vốn ngoại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về yếu tố nội lực, “lực đỡ” phải kể đến là động thái liên tục hạ lãi suất điều hành từ phía Ngân hàng Nhà nước, vậy thực tế lãi suất tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Để thị trường chứng khoán hấp thụ được lượng vốn lớn chảy ra từ ngân hàng cần thời gian hấp thụ và quá trình phục hồi cũng như nhu cầu về huy động vốn của từng doanh nghiệp sau dịch Covid-19.
Giữa những ngày cao điểm của dịch Covid-19 vừa qua, chị Hoàng Thanh Minh (Nam Từ Liêm) đứng ngồi không yên đã tìm mọi cách để mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Giải thích lý do nôn nóng, chị Thanh Minh cho biết, hiện nay thị trường chứng khoán đang rất dễ “kiếm”. Nhưng bên cạnh đó chị còn rỉ tai người viết một lý do rất “tính toán” rằng lãi suất có xu hướng giảm và các chuyên gia kinh tế cũng dự báo lãi sẽ tiếp tục giảm nữa. Vậy nên chẳng còn lý do gì “thuyết phục” để chị tiếp tục gửi tiền tại ngân hàng.
Cũng giống chị Thanh Minh, rất nhiều nhà đầu tư mới (F0) cũng đã đổ xô mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán. Theo chuyên gia Lê Đức Khánh chia sẻ tại buổi tọa đàm, số liệu thống kê về nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II đến nay đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 300.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn gần đây. Nhưng với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp “hứa hẹn” sẽ ngốn một nguồn vốn lớn trong hệ thống ngân hàng khiến tìm sang kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Về công tác hạ lãi suất điều hành, gần đây nhất là ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các Quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 và lần thứ 4 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy.
Trước động thái này, bộ phận phân tích của KB Securities (KBSV) cho rằng, trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng (CPI trung bình 9 tháng tăng 3,85%), quyết định trên của NHNN là hợp lý và tương đồng với kịch bản cơ sở của KBSV. Tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho Ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng là xu hướng của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch Covid-19.
Cùng với đó, trước thông tin dự báo năm 2021, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có xu hướng duy trì lãi suất thấp thậm chí âm, chuyên gia Lê Đức Khánh khẳng định, những chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ, những chính sách tài khóa bom tấn tung ra như mua tài sản là giấy tờ có giá. Các gói cứu trợ được Chính phủ các nước đưa ra quyết liệt. Với Việt Nam, lần giảm lãi suất điều hành lần 3, CPI vẫn tương đối thấp, nguồn tiền dư trong ngân hàng còn nhiều, tăng trưởng tín dụng vẫn có thể đạt 9%.
Dòng tiền rẻ đang dư thừa trong khi khó tìm được kênh đầu tư hấp dẫn hơn, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tươi sáng trong năm 2021, ông Khánh kỳ vọng.
Thị trường chứng khoán “phản ứng” tích cực
Đồng quan điểm, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng cho rằng, động thái hạ lãi suất lần thứ 3 trong 9 tháng vừa qua để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sẽ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán. Bởi vì thứ nhất, lãi suất cao hơn khiến nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất nhiều hơn thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán. Thứ hai, lãi suất cao hơn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng cho các hoạt động đầu tư và gia tăng lợi nhuận của mình, chi phí tài chính cao hơn cũng ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phan Linh - CEO của Công ty tư vấn đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, khi hạ lãi suất tiền gửi, có những ngân hàng giảm lãi suất huy động về mức dưới 4% trong bối cảnh lạm phát năm nay được dự báo dưới 4%. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu thấy rằng kênh tiết kiệm không đem lại cho họ lợi suất mong muốn.
Theo hiệu ứng tâm lý thị trường tài chính, chứng khoán phản ứng tích cực ngay sau tin này. Nhưng thực tế thì để một chính sách tiền tệ có hiệu ứng với nền kinh tế sẽ có độ trễ ít nhất 6 tháng.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư F0 quan tâm đến thị trường chứng khoán. Từ tháng 4 đến nay, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới luôn ở mức cao kỷ lục trên 27.000 tài khoản mới/tháng. Với mức lãi suất huy động thấp cùng sự tăng giá tích cực của VnIndex giai đoạn gần đây, dòng tiền từ kênh tiết kiệm vẫn sẽ tiếp tục dịch chuyển sang thị trường chứng khoán. Đặc biệt khi các kênh đầu tư khác như tiền gửi, trái phiếu, bất động sản đến nay cũng không thực sự hấp dẫn, ông Linh nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, để thị trường chứng khoán hấp thụ được lượng vốn lớn chảy ra từ ngân hàng cần thời gian hấp thụ và quá trình phục hồi cũng như nhu cầu về huy động vốn của từng doanh nghiệp sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, những tác động hai chiều của Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ mang tính chất “quyết định” như bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) từng khẳng định, “quan điểm chung của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được đồng tình của nhiều thành viên thị trường là sự tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp “thô bạo” vào thị trường. Chúng ta đang điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững”.
Do đó, kỳ vọng giảm lãi suất sẽ tác động tích cực vào thị trường chứng khoán chưa hẳn là hợp lý, bởi trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, về phía cung, nguồn vốn đầu vào đang rất dồi dào, từ cả phía NHNN (nghiệp vụ mua ngoại tệ) lẫn từ phía dân cư và doanh nghiệp (huy động vốn 9 tháng tăng khá, ở mức 7,7%) và về phía cầu, đầu ra tín dụng yếu (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).
Thứ hai, áp lực duy trì tỷ lệ NIM phù hợp để bù đắp cho việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19.
Nhìn lại thị trường chứng khoán qua mỗi lần Ngân hàng hạ lãi suất thấy rằng, lần thứ nhất, trước thông tin hạ lãi điều hành lần đầu tiên trong năm 2020 vào ngày 16/3 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, việc hỗ trợ lãi suất từ NHNN đã khiến cho tâm lý thị trường ổn định, thị trường tạo đáy vào cuối tháng 3 giúp thị trường chững lại đà giảm mạnh và đi lên từ vùng đáy 675 điểm.
Ở thời điểm đó VN-Index chưa hồi phục ngay do tâm lý hoảng loạn khi Covid-19 bùng phát lần 1 khiến cho tâm lý bán thoái lan rộng. VN-Index cần 2 tuần để tạo đáy và bắt đầu hồi. Đây cũng chính là sóng tăng mạnh nhất trong 2020 với mức tăng ấn tượng từ 650 điểm lên 800 điểm tương ứng mức tăng 23%.
Lần thứ hai, NHNN tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 5 giúp thị trường lạc quan hồi phục tốt từ vùng 820 về vùng đỉnh 900 tương ứng mức tăng 9,8%.
Lần thứ 3 vào ngày 30/9, NHNN công bố giảm 4 nhóm lãi suất gồm lãi suất điều hành, lãi suất chiết khấu, lãi suất huy động và quan trọng nhất chính là hạ lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 1 năm từ mức 5% về 4.5%. Đây được coi là động lực chính tác động tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2020 khi quý IV chính là thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động cao nhất năm.