Lãi suất tiết kiệm tăng tiếp sang tháng 7

Ngay từ đầu tháng 7, đã có thêm ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, nối dài số ngân hàng và số đợt tăng lãi suất kể từ tháng 5 đến nay.

 Lãi suất huy động tiếp tục tăng tại các ngân hàng tư nhân. Ảnh: Nam Khánh.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng tại các ngân hàng tư nhân. Ảnh: Nam Khánh.

Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết áp dụng biểu lãi suất tiếp kiệm mới từ 3/7 với mức tăng 0,1 điểm % ở các kỳ hạn 1-13 tháng. Sau giai đoạn tăng lãi suất tiết kiệm dồn dập từ tháng 5 đến tháng 6 vừa qua, NCB trở thành ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động trong tháng 7.

Lãi suất huy động chưa ngừng tăng

Cụ thể, với hình thức gửi tiền online, với các sản phẩm gửi tiết kiệm truyền thống lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất sau khi NCB điều chỉnh tăng áp dụng với kỳ hạn 1-5 tháng là 3,6-4,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng hưởng lãi suất 5,25%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng hưởng lãi 5,3-5,55%/năm; kỳ hạn 12 tháng nhận lãi 5,6%/năm và gửi tiền trên 12 tháng nhận lãi suất 5,7-6%/năm.

Cũng tại hình thức gửi online, nếu chọn sản phẩm tiết kiệm An Phú, lãi suất tiết kiệm mà khách hàng cá nhân được hưởng sẽ cao hơn 0,1 điểm % so với sản phẩm gửi tiết kiệm truyền thống.

Với mức điều chỉnh này, NCB tiếp tục là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất hệ thống.

Thực tế, "sóng" tăng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng duy trì từ tháng 5 đến nay với hàng chục đợt tăng lãi suất, thậm chí có ngân hàng tăng lãi suất tới 3-4 lần chỉ trong vòng 1 tháng.

Nếu tính trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24/36 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động, trong khi chỉ có 2 ngân hàng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.

 Kết thúc tháng 6, có 24/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn, tại quầy và online. Ảnh: Việt Linh.

Kết thúc tháng 6, có 24/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn, tại quầy và online. Ảnh: Việt Linh.

Như Eximbank trong tháng 6 đã có tới 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động với các kỳ hạn khác nhau. Trong lần gần nhất điều chỉnh biểu lãi suất, ngân hàng này tăng 0,2 điểm % với kỳ hạn 6-9 tháng, lên 4,5%/năm.

Trong khi đó, ngân hàng có bước tăng lãi suất mạnh nhất giai đoạn vừa qua là ABBank với mức tăng 1,6 điểm % lãi suất ở kỳ hạn 13-36 tháng, hiện ở mức 5,7%/năm. Ngân hàng này cũng tăng 0,6 điểm % lãi suất với tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, hiện ở 4%/năm và tăng 0,5 điểm % với kỳ hạn 7-11 tháng, hiện ở 5,8%/năm.

Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất ở ngân hàng này là 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Cũng ghi nhận mức tăng mạnh, MSB trong đợt điều chỉnh gần nhất đã tăng 0,9 điểm % lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 12-36 tháng, lên 5,4%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà khách hàng cá nhân nhận được tại nhà băng này.

Ngược lại, 2 ngân hàng giảm lãi suất trong tháng 6 gồm VPBank và VIB, nhưng cũng chỉ giảm ở một số kỳ hạn nhất định.

Trong khi các ngân hàng thương mại tư nhân đua nhau tăng lãi suất thì nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn "bất động". Lãi suất tiền gửi các nhà băng này hiện vẫn neo tại 1,6-2,3%/năm cho kỳ hạn 1-3 tháng; 2,9-3,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,6-4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Lãi suất sẽ còn tăng thêm

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian tới.

Nguyên nhân của mặt bằng lãi suất cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.

Theo tính toán từ VCBS, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm.

Các chuyên gia phân tích thuộc VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý II và III khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.

Đây cũng là mức tăng lãi suất mà Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Ngân hàng UOB đưa ra năm nay.

Cụ thể, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB, cho biết động thái tăng lãi huy động của các ngân hàng thời gian qua chủ yếu là để cân bằng lợi tức so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng của các thị trường quốc tế. Ông dự báo trong nửa cuối năm, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1 điểm % trên các kỳ hạn khác nhau.

Các chuyên gia tại VDSC thì cho rằng mức tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,5-1 điểm % trong nửa cuối năm nay là kịch bản phù hợp dựa trên biến động kỳ vọng của tỷ giá và lãi suất chính sách.

Đối với lãi suất cho vay, trong 5 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,9 điểm %, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động. VSDC cho rằng sự gia tăng của lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay và tác động này sẽ rõ ràng hơn vào quý cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/lai-suat-tiet-kiem-tang-tiep-sang-thang-7-post1484379.html