Lâm Đồng: Thu tiền tỷ từ nuôi cá nước lạnh ở huyện Đam Rông

Ông Nguyễn Trí Nhật, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng) nhẩm tính: Trung bình cứ 1ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, doanh thu hằng năm gia chủ đem về không dưới 7 tỷ đồng. Đó là số tiền khiến người nghe phải kinh ngạc giữa một nơi đời sống của phần lớn bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như huyện Đam Rông.

Ba công nhân chuyên “ăn ở cùng cá” của gia đình anh Nguyễn Duy Khánh, thôn 2, xã Liêng Sronh, nhanh tay tháo bộ phận chặn nước tại một bể cá lớn để mực nước hạ xuống. Khoảng 5 phút sau, những con cá tầm giống, trọng lượng lên tới vài chục ký mỗi con, quẫy nước trắng xóa. Như chưa đủ để làm khách tham quan thỏa mãn con mắt, một công nhân liền lội xuống bể, gồng mình ôm lấy con cá lớn nhất, cố nhấc lên khỏi mặt nước trong vài giây để khách chụp hình với vẻ đầy tự hào. Suốt 4 năm qua, trang trại nuôi cá nước lạnh của gia đình anh Nguyễn Duy Khánh đã cung cấp nguồn cá ổn định cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam, đem về nguồn thu nhập hấp dẫn khiến mọi người đều mơ ước.

Những con đường thênh thang, những xóm làng trù phú bên dòng sông Krông Nô là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển mình trên vùng đất khó. Cái ác, cái xấu âm ỉ tồn tại một thời đã được đẩy lùi, đập tan bằng những chuyên án của lực lượng Công an. Khi đồng bào địa phương nhận ra những hứa hẹn, chức tước hão huyền của bọn phản động FULRO chỉ là trò lừa bịp để phục vụ mưu đồ chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết thì tất cả đã bị tẩy chay, bài trừ.

Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn phát triển kinh tế với các chính sách về dân tộc, tôn giáo, những năm qua, huyện Đam Rông đã được Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đam Rông bây giờ, những mô hình kinh tế tiền tỷ của các gia đình không phải là hiếm.

Trang trại nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Duy Khánh tọa lạc dưới chân núi Hằng Nga, nơi con suối Đạ Jam quanh năm cung cấp nguồn nước trong vắt cho cư dân địa phương sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để khai thác thế mạnh hiếm có từ dòng suối nước lạnh ban tặng, năm 2020, anh Khánh đã xây dựng hàng chục bể nuôi cá tầm trên diện tích khoảng 5.000m2 có mái che. Khi nguồn nước từ núi Hằng Nga được dẫn về trang trại cũng là lúc lứa cá tầm giống có nguồn gốc từ Nga được anh Khánh nhập về địa phương. Đây là chủng giống cá tầm thích hợp với nhiệt độ nước 22-24 độ C, phù hợp với khí hậu Liêng Sronh.

Nuôi cá tầm đang giúp nhiều gia đình tại huyện Đam Rông làm giàu.

Nuôi cá tầm đang giúp nhiều gia đình tại huyện Đam Rông làm giàu.

Cá tầm từ khi nhập tới khi xuất bán trải qua 4 giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn tương ứng với việc sinh sống ở những loại bể khác nhau. Người nuôi phải luôn đảm bảo mật độ cá vừa phải, tránh để quá dày, cá va chạm, xây xát sẽ chậm lớn. Ở giai đoạn sau cùng, khi đạt 500 gram, cá tầm được chuyển xuống nuôi trong bể xi măng với diện tích 100m2/bể, chiều cao 1,2m và thường xuyên duy trì mức nước 1m. Nước trong bể cá tầm của gia đình anh Khánh được lấy từ suối trên cao, nước vừa lạnh, vừa sạch, chảy ngày đêm qua bể và cũng tự chảy ra ngoài qua một hệ thống lọc nước.

Là người nuôi cá tầm nổi tiếng ở xã Rô Men, huyện Đam Rông, gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu là người tiên phong áp dụng những tiến bộ mới để chăn nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất. Trên diện tích gần 1ha, ông Thu đã xây dựng được 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16m3 để nuôi cá nhỏ. Khi cá lớn, ông Thu san đàn ra 32 bể lớn, mỗi bể có diện tích 10x10m2. Các bể được thiết kế có mức nước phổ biến cao 1m, dung tích chứa cũng tương ứng 100m3 nước/bể.

Nguồn cá tầm giống đã được ông chủ trang trại này trực tiếp nhập trứng đã thụ tinh từ Nga về để nuôi và cung cấp cho người dân. Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15-16 độ C, đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt 75 ngày. Ông Thu cũng đã chủ động sản xuất cám để đảm bảo thức ăn cho cá tầm, không phải phụ thuộc vào thị trường thức ăn nuôi bên ngoài, vốn rất biến động.

Hiện trang trại của gia đình ông Thu mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá. Nơi tiêu thụ là TP Hồ Chí Minh. “Vì mình đã có thương hiệu, đầu ra ổn định có hợp đồng nên cá làm ra bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu, không lo đầu ra!..”, ông Thu nói. Cũng theo nông dân này, trung bình mỗi con cá tầm giống khi nhập về hết chi phí 15.000 đồng, nuôi trong vòng 15 tháng sẽ xuất bán được với trọng lượng trên dưới 2kg, giá bán 220.000 đồng/kg. Với kinh nghiệm phong phú và hạ tầng ổn định, hằng năm ông Thu có lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng nhờ nuôi cá tầm.

Theo ông Nguyễn Trí Nhật, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông, diện tích nuôi cá tầm toàn huyện hiện đạt 14,3ha, tập trung tại xã Rô Men, Đạ MRông, Đạ Tông và Liêng Sronh. Năng suất trung bình 90 tấn/ha, tương đương với sản lượng đạt 1.200 tấn. Với lợi thế là địa phương có nguồn nước lạnh phong phú, chất lượng nước tốt, nghề nuôi cá tầm ở huyện Đam Rông đang có bước phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, điều này cũng đã đặt ra những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề nuôi cá nước lạnh tự phát, không theo quy hoạch và định hướng phát triển của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tranh chấp về nguồn nước, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Khó khăn khách quan đó là việc quy hoạch mặt nước nuôi cá của huyện Đam Rông còn chưa bài bản, chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai, khai thác mặt nước để phát triển nuôi cá nước lạnh.

Để ngành nuôi cá nước lạnh ở huyện Đam Rông phát triển quy mô, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trên vùng đất khó đòi hỏi phải có quy hoạch vùng nuôi thủy sản bài bản gắn liền với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để người dân yên tâm phát triển kinh tế.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/lam-dong-thu-tien-ty-tu-nuoi-ca-nuoc-lanh-o-huyen-dam-rong-i746952/