Lâm Đồng trước cơ hội phát triển nông nghiệp thông minh

Thông qua Tiến sĩ (TS) chuyên ngành nông nghiệp công nghệ cao (hi-tech agriculture) Cao Đình Hùng, Tập đoàn Hoàng Gia (Royal K corporation) và Công ty Trang trại Công nghệ cao (Hi-tech farm company), nay là Tập đoàn Trang trại công nghệ cao (Hi-tech farm corporation) của Hàn Quốc đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Với Dự án (DA) vốn ODA 1 tỉ USD, triển khai trong 10 năm (2020-2030), đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam và Lâm Đồng phát triển đột phá về lĩnh vực nông nghiệp thông minh (smart agriculture).

Phái đoàn chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng sau buổi làm việc. Ảnh: M.Đạo

Phái đoàn chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng sau buổi làm việc. Ảnh: M.Đạo

Nhiều lợi ích lớn

Khi DA được triển khai, nước ta sẽ đón nhận nhiều lợi ích lớn, bao gồm: Gia tăng mức tiêu thụ nông sản và bình ổn giá nhờ định hướng sản xuất theo quy trình khép kín (từ giai đoạn cây/con giống, phương thức canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến bao tiêu sản phẩm). DA liên kết chuỗi giá trị kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua hệ thống Lotte Mart và thị trường Hàn Quốc; đồng thời, gia tăng năng suất và chất lượng nông sản nhờ áp dụng các thành quả ưu việt đạt được từ cuộc cách mạng 4.0. DA triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (IoT và ICT) để xây dựng bộ dữ liệu lớn (Big data) nhằm tối ưu hóa và tự động hóa các hệ thống nhà kính ở Việt Nam, điều khiển canh tác từ Hàn Quốc; đồng thời nuôi trồng theo hướng không sử dụng thuốc trừ sâu và kiểm soát sâu bệnh toàn diện.

Đó còn là, phía Hàn Quốc sẽ chuyển giao cho Việt Nam các mô hình nông nghiệp thông minh như trồng rau sạch thủy canh nhiều tầng trong nhà hay mô hình nông trại di động bằng các container. Phương thức này ít tốn kém nhất về nhân lực và điện năng tiêu thụ, nhưng năng suất và chất lượng vượt trội. DA còn áp dụng một số mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh để cải thiện cuộc sống và môi trường; đa dạng hóa chủng loại cây trồng và vật nuôi; tạo việc làm quanh năm với chi phí giảm…

Xà lách thủy canh tự động trong nhà

Để triển khai DA, phía Hàn Quốc đã lên kế hoạch tìm kiếm chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Một trong những nhà khoa học đó là TS. Cao Đình Hùng, người Đà Lạt, có kết quả nghiên cứu xuất sắc ở Hàn Quốc. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi rất vui khi ngài Chủ tịch Tập đoàn Royal K là ông Ko Young Hak và Giám đốc Công ty Hi-tech farm là ông Min Park đã từ Hàn Quốc sang Việt Nam tìm gặp để nhờ giúp đỡ cho DA. Tận dụng cơ hội này, tôi đã đề xuất phía Hàn Quốc nên ưu tiên đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng nhiều hơn so với các tỉnh thành khác ở Việt Nam, vì một số lí do chính đáng”.

Đó là, hiện nay, Lâm Đồng là địa phương phát triển mạnh nhất về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lâm Đồng có khí hậu rất phù hợp để trồng rau, hoa, cây dược liệu hay sản xuất cây giống ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau, hoa và tiếp cận các công nghệ cao trong nông nghiệp. Được biết, trong DA này, TS. Hùng đang cố gắng thuyết phục phía Hàn Quốc rót vốn ODA vào tỉnh Lâm Đồng ít nhất từ 10-100 triệu USD (tương đương 230 tỉ - 2.300 tỉ đồng). Vì vậy, sau khi cùng phái đoàn Hàn Quốc làm việc thành công với tổ chức KOTRA (Cục Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Hà Nội vào các tháng 8 và 9/2019, TS. Cao Đình Hùng trong vai trò cố vấn DA phía Việt Nam đã dẫn phái đoàn Hàn Quốc vào Đà Lạt để khảo sát thực địa và thu thập một số thông tin quan trọng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm hiểu tại thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận như huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương…, phái đoàn vẫn chưa thể tìm ra quỹ đất phù hợp để triển khai DA. Lý do giá đất ở Đà Lạt đã tăng quá nhanh và một số doanh nghiệp muốn giao đất để hợp tác thì đang bị vướng về thời hạn sử dụng đất. Trong khi đó, diện tích cần để triển khai DA tại tỉnh Lâm Đồng ít nhất là 12 hecta mới có thể xây dựng được dãy thung lũng các nông trại công nghệ cao (hi-tech farm valley).

Ngoài ra, mục tiêu của DA theo TS. Hùng cho biết, còn nhiều nội dung cơ bản khác. Đó là: Xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp thông minh để cải tiến công nghệ và nâng cấp nguồn gen thực vật (giống cây trồng) có giá trị; Thiết lập một trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ thuật về trang trại ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp thông minh để nông dân học tập và tự làm giàu; Sử dụng các giải pháp cho các trang trại thông minh và xây dựng thương hiệu riêng cho tỉnh Lâm Đồng; Trao đổi nguồn nhân lực giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc (từ lao động phổ thông cho đến chuyên gia),…

Cũng theo TS. Hùng, ngày 6/12/2019, Tập đoàn Hi-tech farm đã đến Đà Lạt ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Hana Group (trụ sở tại Đà Lạt) và Công ty PA.Vina (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh). Buổi làm việc mở ra nhiều cơ hội hợp tác và triển vọng lớn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia tiếp cận nguồn vốn ODA, nhận hỗ trợ về công nghệ, máy móc, thiết bị, chuyên gia, kỹ thuật, cây giống, đào tạo nguồn nhân lực… từ phía Hàn Quốc. Theo đó, phái đoàn Hàn Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ trồng tại Lâm Đồng các loại cây có giá trị như nhân sâm, hồng sâm, nấm dược liệu, nấm ăn có giá trị từ Hàn Quốc…; đặc biệt là 2 giống dâu tây “King strawberry” và “Queen strawberry” có phẩm chất và kích thước vượt trội (8-10 quả nặng 1 kg; giá 1 triệu đồng/kg) do Tập đoàn Royal K đang nắm giữ bản quyền. Phía Hàn Quốc cũng định hướng ưu tiên phát triển trước 4-5 nhóm cây trồng có tiềm năng xuất khẩu là dâu tây, rau ăn lá, rau mầm, nhân sâm và dược liệu.

DA phát triển nông nghiệp thông minh đã được hoạch định rõ, vấn đề còn lại là quỹ đất từ phía tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, ngày 1/10/2019, TS. Cao Đình Hùng cùng phái đoàn Hàn Quốc làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng do Phó Chủ tịch UBND Phạm S chủ trì và tham gia của một số sở liên quan. Ông Phạm S đã tán thành cao những nội dung định hướng của DA, đang chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh đồng hành nghiên cứu. Cơ hội nền nông nghiệp thông minh từ DA sẽ hiện thực sớm, theo đó, lợi ích nêu ở trên được chia sẻ.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/lam-dong-truoc-co-hoi-phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-2980365/