Làm giả giấy tờ để phát hành thêm cổ phiếu bị phạt từ 300 - 400 triệu đồng

Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, phát hành thêm cổ phiếu trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Dự thảo nêu rõ, đối với vi phạm quy định phát hành thêm cổ phiếu, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối vơímột trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ, tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ, tài liệu hoặc khi phát sinh thông tin quan trọng liên quan đến hồ sơ, tài liệu đã nộp;

b) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo hoặc đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu có thông tin sai sự thật, che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng;

b) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã báo cáo nhưng chưa có văn bản thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo về phát hành thêm cổ phiếu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

c) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã đăng ký nhưng chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận;

d) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện phát hành thêm trong hồ sơ báo cáo về phát hành thêm cổ phiếu mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Không cho phát hành thêm chứng khoán trong thời gian chưa thực hiện khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; tổ chức có hành vi vi phạm quy định trong trường hợp đã phát hành chứng khoán thì phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

baochinhphu.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gia-giay-to-de-phat-hanh-them-co-phieu-bi-phat-tu-300-400-trieu-dong-140807.html