Lâm Hà vùng đất học

Giữa tháng 8/2021, làm việc với Huyện ủy Lâm Hà, Bí thư Hoàng Thanh Hải và Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Văn Tình cùng cho chúng tôi biết, sự nghiệp giáo dục của Lâm Hà luôn là một trong những nhiệm vụ lãnh đạo huyện chú trọng và là nét đẹp truyền thống của vùng đất học Lâm Hà.

Điểm trường Kô Ya, Trường Tiểu học Kim Đồng khang trang đón năm học mới

Điểm trường Kô Ya, Trường Tiểu học Kim Đồng khang trang đón năm học mới

QUYẾT TÂM TỪ CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định: “Đến năm 2025, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp; tỷ lệ học sinh (HS) học nghề sau THCS đạt tối thiểu 30%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 95%; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 85%...”. Đảng bộ Lâm Hà định hướng rõ các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo (GDĐT); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bám sát Nghị quyết số 01, 03 của Huyện ủy và Nghị quyết của HĐND, từ tháng 2/2021, UBND huyện Lâm Hà ban hành Kế hoạch phát triển GDĐT năm 2021. Mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GDĐT. Chỉ tiêu năm 2021 là: 100% trường tiểu học, THCS đảm bảo tốt các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Về chất lượng giáo dục, tăng từ 1% trở lên tỷ lệ HS khá, giỏi ở trung học; hoàn thành môn học ở HS tiểu học, giảm tỷ lệ HS Yếu, Kém, chưa hoàn thành môn học so với năm học trước. Mặt khác, 100% xã, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng công tác PCGD, xóa mù chữ; giảm tỷ lệ HS bỏ học so với năm học trước. Toàn huyện tăng thêm 55 phòng học để nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên trên 90%; có thêm từ 3 - 4 trường đạt chuẩn quốc gia để có 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm 2021, 100% cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục có trình độ đại học trở lên; 90% giáo viên (GV) đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019...

HOÀN THÀNH VÀ PHẤN ĐẤU VƯƠN LÊN ĐÍCH MỚI

Có thể khẳng định, huyện Lâm Hà qua nửa năm 2021 đã hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, khi về làm việc với UBND huyện tháng 12/2020. Đó là “nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện; đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia; rà soát, cân đối nguồn vốn đầu tư trường, lớp học đảm bảo yêu cầu dạy và học…”. Rất nhiều thông tin từ Trưởng phòng GDĐT huyện Lâm Hà Nguyễn Duy Trinh cho chúng tôi biết, sau một năm học 2020 - 2021, Lâm Hà có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn nhưng đã chứng minh sinh động điều này.

Số trường học do Phòng GDĐT quản lý có 77 trường (24 trường mầm non, 31 trường tiểu học, 19 trường THCS, 2 trường TH&THCS và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú). Trong đó 3 trường ngoài công lập thuộc mầm non. Lâm Hà là một trong những huyện có tổng số HS đứng đầu về số lượng trong tỉnh: 7.888 HS mầm non (huy động ra lớp đạt 65,9%), 13.978 HS tiểu học (duy trì sĩ số 100%, không có HS bỏ học) và 10.537 HS THCS (duy trì sĩ số 98,46%, tỷ lệ HS bỏ học 0,92%). Bậc THPT có 5 trường với 4.235 HS; 305 CBQL, GV. Đội ngũ giáo dục thuộc quản lý của Phòng hiện có 2.257 CBQL, GV. Theo Luật Giáo dục 2019, trên chuẩn ở CBQL đã đạt 3,34%, ở GV đạt 16,59% và đạt chuẩn 100% ở CBQL, 58,73% ở GV. Tỷ lệ đảng viên 47,98%, tăng 1,48% so cùng kỳ năm trước...

Đến nay, Lâm Hà đã có 10 trường sáp nhập, giảm 5 trường chính và 3 điểm trường lẻ. Số trường giảm đúng kế hoạch giai đoạn 2017 - 2021 là 8/77 trường, đạt tỷ lệ 10,3%. Không chỉ giảm được số CBQL và nhân viên trung gian từ việc sáp nhập, mà đồng thời đội ngũ chung của ngành nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và Chương trình GDPT 2018. Kết quả đánh giá, phân loại viên chức năm học 2020 - 2021, có 49,58% hoàn thành xuất sắc; 44,44% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 5,24% hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ 19 người (0,84%). Đó là sự nỗ lực và nghiêm túc trong thực hiện công tác đội ngũ phối hợp giữa Phòng GDĐT và các phòng, đơn vị chức năng ở huyện và tự thân phấn đấu của mỗi cá nhân trong ngành giáo dục.

Không thể nêu hết thành tích của từng cấp học trong năm học 2020 - 2021, chúng tôi chỉ dẫn thêm mấy số liệu để chứng minh. Đạt tỷ lệ 100% về học 2 buổi/ngày và ăn bán trú ở HS mầm non, mẫu giáo. 95,8% trẻ có sức khỏe bình thường; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 1,48% (giảm 5,3% so đầu năm học), suy dinh dưỡng thể thấp còi 1,69% (giảm 5,52% so với đầu năm)…; trẻ 5 tuổi huy động đạt 99,96%. HS tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,92%; HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học 100%. Học lực của HS THCS từ Trung bình trở lên đạt 93,88% (tăng 0,96% so với năm học trước); HS Yếu, Kém giảm 0,93% so với năm học trước. Ở giáo dục mũi nhọn, Lâm Hà tiếp tục duy trì và có nâng số lượng lẫn chất lượng ở nhiều lĩnh vực: khoa học kỹ thuật 14 dự án đoạt giải cấp huyện, 2 dự án đạt giải cấp tỉnh; 183/397 HS lớp 9 đoạt HS giỏi cấp huyện, 40/107 HS giỏi cấp tỉnh…

VƯỢT KHÓ KHĂN SẴN SÀNG ĐÓN NĂM HỌC MỚI

Lâm Hà đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2021 - 2022. Đầu năm học, số lượng GV và HS cơ bản ổn định. GV dạy lớp 2, lớp 6 đã tích cực tập huấn, bồi dưỡng. Các công tác hè đã hoàn thành một cách nghiêm túc và hiệu quả. Trên cơ sở đã đạt 84,15% phòng học kiên cố, tăng 4,72%, huyện tiếp tục đầu tư khoảng 15 tỷ đồng tu sửa khoảng 20 trường học. Đặc biệt, Lâm Hà tích cực đầu tư các trường trong lộ trình công nhận chuẩn quốc gia năm 2021 và các trường thuộc xã đăng ký nông thôn mới nâng cao. Tổng vốn 2021 và chuyển tiếp những năm trước đạt khoảng 100 tỷ đồng. Cũng cần chia sẻ những khó khăn của giáo dục Lâm Hà ở phía trước đó là huyện có địa bàn rất rộng, nhiều trường, lớp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các DTTS; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn.

Vấn đề giáo dục con em dân tộc thiểu số phát triển tốt, nhất là cơ sở vật chất trường học, tuy nhiên duy trì sĩ số và nâng chất lượng ở một số trường vẫn là thách thức. Ngành nỗ lực tăng cường tiếng Việt cho HS trước năm học mới nhưng còn cần chung tay từ phía xã hội, trong đó phụ huynh HS thực sự quan tâm đến việc học tập của HS. Vấn đề thiếu GV đứng lớp so với Thông tư 16/2007 của Bộ GDĐT quy định, do thực hiện tinh giảm biên chế 10%; vấn đề chưa đảm bảo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học so với Thông tư 13/2020 của Bộ GDĐT cũng là khó khăn. Như đề xuất từ các trưởng phòng GDĐT, vấn đề trao quyền tự chủ cho ngành GDĐT theo Nghị định số 127/2018 của Chính phủ và Thông tư số 12/2000 của Bộ GDĐT về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng GDĐT chưa được tháo gỡ, mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo trong dịp làm việc với ngành GDĐT tỉnh tháng 5/2021 vừa qua.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/lam-ha-vung-dat-hoc-3074731/