Làm khó doanh nghiệp dân doanh, ưu ái doanh nghiệp FDI
Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở mức 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát. TCDN -
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan nhà nước.
Trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh kém tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát. Chênh lệch này đáng kể ở các thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng”, “thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị” và “kết nối cấp điện.”
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết thêm, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại rõ ràng nhất. Ở 12/13 nhóm thủ tục, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp ở các quy mô khác, đặc biệt ở các thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”, “kết nối cấp điện”, “đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.”
Doanh nghiệp cảm nhận có sự khác biệt với các nhóm thủ tục hành chính. Hai thủ tục doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện hơn cả là thủ tục cấp thoát nước và kết nối, cấp điện. Trong khi đó, với các thủ tục hành chính còn lại, một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp (dao động từ 32,5% đến 58,4%) còn gặp khó khăn. Các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy được doanh nghiệp thường xuyên thực hiện nhất, nhưng việc thực hiện hai thủ tục này của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai thủ tục này khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%. Xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Lần lượt 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hai nhóm thủ tục này.
Khảo sát của VCCI được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp, trong đó xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% là doanh nghiệp dân doanh trong nước và 18% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần nhất.
Báo cáo lựa chọn 13 thủ tục hành chính để đánh giá gồm:(1) quyết định chủ trương đầu tư; (2) các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; (3) các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; (4) thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; (5) thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; (6) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; (7) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; (8) kết nối cấp điện; (9) cấp, thoát nước;(10) thanh tra, kiểm tra về xây dựng; (11) thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; (12) kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường; và (13) đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.