'Làm sạch' thị trường bảo hiểm

Tại Việt Nam hiện có 19 doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Nhờ đó, quyền lợi bảo hiểm của người tham gia được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng là một kênh huy động vốn hữu hiệu, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thế nhưng, sự phát triển quá nóng của thị trường bảo hiểm thời gian qua cùng với những hệ lụy xảy ra khiến dư luận bức xúc. Trong đó nổi lên là hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo, thậm chí là ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng.

Nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội cũng phản ánh tình trạng người mua bảo hiểm có thể gặp rủi ro, nhất là khi hợp đồng bảo hiểm được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, nhưng sau đó lại thêm điều khoản có lợi cho bên bán. Vì tin tưởng nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhiều người mua không xem xét kỹ lưỡng hoặc nghiên cứu nhưng chưa hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua.

Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng mà còn làm suy giảm niềm tin vào thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Đồng thời, tạo ra rủi ro về tài chính đối với nhiều cá nhân khi các công ty bảo hiểm và ngân hàng chạy theo doanh thu và lợi nhuận, không quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm.

Tại các nước phát triển, bảo hiểm là một trong những giải pháp tài chính không thể thiếu của nhiều cá nhân và gia đình. Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng dân số đang sở hữu giải pháp tài chính này chưa cao. Bảo hiểm là một sản phẩm tài chính nên sự tin cậy của người dân, khách hàng là yếu tố quan trọng trên cơ sở tự nguyện. Trong đó, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Vì thế, “làm sạch” thị trường bảo hiểm nhân thọ là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng qua (18-3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để làm được điều đó, trước hết về phía cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cùng với đó, chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.

Đồng thời, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, trong đó có tình trạng bán chéo bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng. Đi đôi với đó là tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm quy định pháp luật.

Đối với khách hàng, phải nghiên cứu kỹ hợp đồng, nắm được những điều khoản cơ bản, yêu cầu người tư vấn bảo hiểm giải thích rõ và tham vấn chuyên gia pháp lý (nếu cần) trước khi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, cần lưu ý về thời hạn hợp đồng, thời hạn đóng phí, quyền lợi được chi trả và không được chi trả… Có như vậy, thị trường bảo hiểm nhân thọ mới phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi về tài chính, sức khỏe của khách hàng, giúp họ yên tâm tham gia bảo hiểm.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-sach-thi-truong-bao-hiem-661129.html