Làm 'sống dậy' những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Ơ Đu
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình đầu tư góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc của đồng bào Ơ Đu.
Chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã đưa văn hóa Ơ Đu vào giảng dạy trong nhà trường. Qua đó đã bảo lưu và làm “sống dậy” những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu.
Sắc màu văn hóa Ơ Đu trong những tiết học
Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc có dân số thấp nhất cả nước, sinh sống duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tập trung chủ yếu tại bản tái định cư Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương). Từ năm 2006, sau 18 năm về sinh sống tại bản tái định cư, cuộc sống của 102 hộ/hơn 340 nhân khẩu người Ơ Đu đã có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc sống cộng cư nên những giá trị văn hóa tiêu biểu mang tính nhận diện của dân tộc Ơ Đu đang dần bị mai một.
Tiết học Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (môn Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp) với chủ đề “Truyền thống quê em” có nội dung xoay quanh văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ Đu diễn ra tại lớp 6A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My, thật sự khác biệt với các tiết học khác. 100% học sinh đến lớp đầy đủ, đều mặc trang phục truyền thống dân tộc Ơ Đu, Thái, Khơ Mú.
Các nhóm học sinh cũng mang đến lớp nhiều đồ dùng, vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày, nghi lễ, tín ngưỡng của đồng bào Ơ Đu. Giáo viên phụ trách giảng dạy tiết học chuẩn bị kỹ lưỡng dụng cụ trực quan, nội dung bài giảng và những clip liên quan đến đặc trưng văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc Ơ Đu.
Em Vi Thị Đông Y (lớp 6A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My) hồ hởi chia sẻ: Tiết học hôm nay em và các bạn trong nhóm đã trình bày, giới thiệu đến cô giáo cùng các bạn trong lớp về Lễ hội Tiếng sấm đầu năm. Đối với người Ơ Đu, một năm bắt đầu khi có tiếng sấm. Sáng sớm ngày sau hôm có tiếng sấm, mọi người đều mang những vật dụng trong gia đình ra suối lau chùi để đón điều mới mẻ của năm mới.
Người già lớn tuổi thì mang những quả trứng gà đi rửa sạch để loại bỏ điều xấu, cầu may mắn cho con cháu. Lễ hội tiếng sấm đầu năm chỉ riêng dân tộc Ơ Đu tổ chức, có rất nhiều nét khác biệt so với các lễ hội khác của các dân tộc khác. Ngoài ra, nhóm của chúng em còn mang đến một bức tranh vẽ mâm cỗ với những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Ơ Đu mà các các gia đình ở bản Văng Môn sử dụng trong dịp lễ.
Nhóm của em Lô Thuyên Hân lại giới thiệu về bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Ơ Đu qua một bức tranh khổ lớn. Đặc biệt, nhóm của em đã lý giải được vì sao chân váy trong trang phục của phụ nữ Ơ Đu lại có màu đen là chủ đạo và những nét độc đáo, khác nhau giữa bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Ơ Đu so với trang phục của người phụ nữ dân tộc Thái.
Khác với các nhóm nữ, các bạn nam trong lớp chịn thuyết trình về các chức năng, cách thức sử dụng của nhiều loại vật dụng liên quan đến lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của người Ơ Đu. Mỗi sản phẩm, vật dụng được học sinh giới thiệu tại lớp đều cung cấp những kiến thức mới mẻ, bổ ích, mang đến sự thích thú, hứng khởi đến các bạn trong lớp.
Em Kha Vĩnh Phúc (lớp 6A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My) chia sẻ: Là người dân tộc Thái, được tham gia những tiết học như thế này, em rất vui vì được tận mắt thấy được những đồ vật gắn bó thân thuộc với người Ơ Đu trong cuộc sống hằng ngày.
Phụ trách tiết học tìm hiểu văn hóa người Ơ Đu tại lớp 6A, cô giáo Quang Thị Kim Loan cho biết: Tiết học trưng bày nhiều đồ dùng, vật dụng mang tính trực quan sinh động được nhà trường chuẩn bị và do các học sinh sưu tầm, mượn của người dân Ơ Đu bản Văng Môn mang đến. Trong tiết học có sự tương tác cởi mở, gần gũi giữa cô và trò. Cách đặt vấn đề của giáo viên theo hướng mở nên tiết học đã thu hút sự tập trung của các em học sinh. Để tiết học mang đến hiệu quả tích cực, đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải trang bị những kiến thức khá bài bản thuộc các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, xã hội, môi trường…
Chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống
Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My có hơn 460 học sinh, là con em các dân tộc Thái, Khơ Mú và Ơ Đu. Môn học giáo dục địa phương thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường sẽ triển khai dạy 35 tiết/năm học. Theo đó, trong 4 năm học cấp 2, nhà trường sẽ thực hiện dạy 140 tiết.
Thầy Nguyễn Trọng Hảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My cho biết: Đối với chương trình giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thời gian qua, nhà trường rất quan tâm đưa các nội dung chương trình lồng ghép vào giảng dạy ở các khối 6, 7, 8.
Cụ thể, nhà trường đã đầu tư trang thiết bị để các tổ giáo viên xây dựng chương trình, đa dạng hình thức dạng dạy. Các tiết học môn Giáo dục địa phương được nhà trường triển khai, giáo viên, học sinh rất thích thú trong giảng dạy, học tập. Đặc biệt, việc bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu trong những năm qua được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền rất quan tâm. Chung tay cùng với các cấp, ngành, nhà trường chú trọng dành thời lượng lớn các tiết học trong chương trình giáo dục địa phương để truyền dạy văn hóa Ơ Đu đến học sinh.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Trong những năm qua, đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của dân tộc Ơ Đu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã quan tâm, hỗ trợ, triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo những tiền đề, động lực để bà con Ơ Đu vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, kinh tế của người Ơ Đu ở bản Văng Môn đã chuyển dịch cơ cấu rất rõ nét, từng bước phá thế độc canh cây lúa trên nương. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào có nhiều đổi thay, diện mạo bản làng tái định cư Văng Môn có nhiều khởi sắc. Các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của cộng đồng Ơ Đu đang được các cấp ủy, chính quyền nỗ lực bảo tồn, gìn giữ.
Cũng theo bà Vi Thị Mùi, văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ Đu rất độc đáo, đặc sắc và có nét riêng biệt, cần có sự quan tâm gìn giữ và phát huy. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến vấn đề này. Việc đưa văn hóa Ơ Đu vào giảng dạy tại một số đơn vị trường học trên địa bàn được các trường triển khai rất tích cực, đem đến những kết quả rất khả quan.
Già làng Lo Thanh Bình là một trong số ít những người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My) còn sử dụng được ngôn ngữ của dân tộc này chia sẻ: Việc triển khai, đưa văn hóa Ơ Đu vào giảng dạy trong chương trình giáo dục địa phương tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Nga My đã và đang khẳng định hướng đi đúng, tạo được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội. Bản thân ông luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường trong việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc Ơ Đu đến cho học sinh khi nhà trường có đề xuất.