Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội vì hòa bình tại tỉnh Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị ngày 31/5 đã tổ chức họp báo quốc tế thông tin về Lễ hội vì hòa bình năm 2024 với chủ đề 'Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình'.

Họp báo Lễ hội Vì Hòa bình

Họp báo Lễ hội Vì Hòa bình

Lễ hội được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneve (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chương trình khai mạc Lễ hội Vì hòa bình 2024 được tổ chức vào tối 6/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chủ đề: "Kết nối những nhịp cầu".

Lễ hội sẽ có hàng loạt hoạt động ý nghĩa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp sân khấu đa không gian: Trên cầu, dưới sông, lắng đọng trên bầu trời, kết nối hai trục Bắc - Nam của sông Bến Hải, với mong muốn dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc "mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị".

Chia sẻ tại họp báo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là lễ hội mang thông điệp hòa bình lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh.

Đồng thời, lễ hội cũng góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; thể hiện mong muốn xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nêu lên 5 ý nghĩa nổi bật của Lễ hội vì hòa bình.

Theo ông, lễ hội sẽ đáp ứng mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới đề cao vấn đề sống còn, truyền tải thông điệp yêu chuộng hòa bình của Việt Nam;

Quảng bá sắc màu văn hóa nghệ thuật đặc trưng, lan tỏa bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc; Tôn vinh và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Tạo cơ hội cho các nền văn hóa gặp gỡ và hợp tác, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình. Cuối cùng, lễ hội thúc đẩy tiềm năng du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một số hoạt động nổi bật trong khuôn khổ lễ hội:

Ngày hội đạp xe vì hòa bình tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, diễn ra trong hai ngày 29 và 30/6.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực "Hương vị miền hoa nắng "tại Khu du lịch biển Cửa Việt từ ngày 12 - 14/7 với các hoạt động của hơn 100 gian hàng ẩm thực, quảng diễn ẩm thực và diều quốc tế.

Giao lưu âm nhạc "Giai điệu hòa bình" với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt có Đêm nhạc Trịnh Công Sơn diễn ra vào tối ngày 13/7 và Chương trình giao lưu âm nhạc quốc tế "Giai điệu hòa bình" tối ngày 20/7.

Cuối lịch trình Lễ hội là Chương trình "Ước nguyện hòa bình", với các hoạt động chính là Lễ viếng (Thành Cổ Quảng Trị); Đại Lễ Cầu siêu (Quảng trường Giải phóng); Lễ Hoa đăng (Bờ Nam sông Thạch Hãn).

Ngoài ra, Lễ hội sẽ khắc họa được vẻ đẹp và giá trị văn hóa của tỉnh Quảng Trị thông qua các điểm nhấn thực cảnh, đem tới các tiết mục biểu diễn xuất hiện tất cả mọi người dân trong xã hội từ trẻ em tới người lớn, cùng công nghệ trình chiếu ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái (drone) với số lượng khoảng 1.000 drone.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lan-dau-tien-to-chuc-le-hoi-vi-hoa-binh-tai-tinh-quang-tri-post35243.html