Làn sóng công nghệ mới và thách thức mới đặt ra đối với phát triển kinh tế

Hiện nay, làn sóng công nghệ mới đang tác động mạnh mẽ và đặt ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội.

Hài hòa mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển

Trong thế giới ngày nay, những thay đổi về chính trị, kinh tế và công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Các vấn đề như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và môi trường đòi hỏi những giải pháp không chỉ mang tính toàn cầu mà còn phải gắn liền với những đặc thù của từng quốc gia. Theo đó, kinh tế chính trị, với tư cách là một ngành khoa học, đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng lý thuyết và công cụ phân tích để chúng ta hiểu và giải quyết các vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, sáng ngày 26/10, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Hội thảo không chỉ nhằm cập nhật những xu hướng mới nhất mà còn mở ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp và chính phủ cùng thảo luận, tìm kiếm các giải pháp khả thi.

Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Ảnh: HQ

Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Ảnh: HQ

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh, sứ mệnh của trường Đại học Kinh tế là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. “Kỳ vọng Hội thảo sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần giúp Việt Nam thành công hơn trong việc phục hồi kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung”-PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho hay.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các tham luận, với nhiều góc nhìn chuyên sâu về kinh tế, chính trị đặc biệt chỉ rõ những thách thức giữ vững, hài hòa mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội; và tác động của khoa học và công nghệ đối với kinh tế, lao động, việc làm cũng như phát triển, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Với tham luận “Suy nghĩ về một số vấn đề kinh tế chính trị cấp bách ở Việt Nam hiện nay”, PGS. TS Phạm Văn Dũng, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ: Mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; Mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Trong đó, theo PGS. TS Phạm Văn Dũng, phát triển đất nước là cơ sở, điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Do vậy, phát triển đất nước là lợi ích lớn nhất, là mục tiêu quan trọng nhất phải thực hiện. Phát triển đất nước đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề nhưng tiền đề quan trọng nhất là phải đổi mới, vì không có “cái mới” sẽ không có phát triển. Đổi mới lại đòi hỏi phải có ổn định chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa - xã hội…. Đây là điều kiện, tiền đề của đổi mới. Đồng thời, đổi mới, phát triển lại tạo tiền đề giữ vững ổn định.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Văn Dũng cho hay, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là mối quan hệ lớn thể hiện quan hệ giữa kinh tế với một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. "Trong mối quan hệ này, tăng trưởng kinh tế được coi là trung tâm nhưng vẫn phải phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ thể hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển bền vững, mà còn vì tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định lâu dài"-PGS.TS Phạm Văn Dũng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đánh giá và nêu bật cu hướng phát triển công nghệ mới đang đặt ra những thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, lao động, việc làm. Ảnh: HQ

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đánh giá và nêu bật cu hướng phát triển công nghệ mới đang đặt ra những thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, lao động, việc làm. Ảnh: HQ

Thách thức mới từ xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ

Tại hội thảo, qua tham luận “Làn sóng công nghệ mới và sự thay đổi của lực lượng sản xuất”, GS.TS Bùi Quang Tuấn-Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, thế giới đang chuyển từ “đơn cực” sang “đa cực”; công nghệ đang lên ngôi với những đột phá lớn, đặc biệt là AI, dữ liệu lớn, IOT, block chain, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu… Cùng với đó là xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa và chủ nghĩa dân tộc đan xen nhau. Cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hóa thị trường như là phản ứng của bối cảnh mới; Xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, cam kết phát triển bền vững.

"Đặc biệt làn sóng công nghệ mới đang định hình lại nền kinh tế thế giới, các thế hệ trí tuệ nhân tạo đang tiến tới AI tổng quát sẽ thay thế hoặc cạnh tranh với con người và có tác động rất căn bản… Bối cảnh mới đặc biệt làn sóng công nghệ mới đang tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất"-” theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn.

Đáng lưu ý, PGS. TS Bùi Quang Tuấn chỉ rõ, AI giúp tự động hóa nhiều công việc lặp đi lặp lại, giảm thiểu lỗi và tăng năng suất lao động. Đồng thời, sự phát triển của AI đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng cao để phát triển, quản lý và vận hành các hệ thống AI, tạo ra những công việc mới trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, kỹ thuật AI, và nhiều lĩnh vực khác; AI có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, giao thông, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn các thức thách thức đặt ra đó là sự tự động hóa do AI gây ra có thể dẫn đến việc thay thế con người trong nhiều công việc, đặc biệt là các công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi ít kỹ năng. Việc sở hữu và kiểm soát công nghệ AI tập trung vào một số ít công ty lớn có thể làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Mặt khác, sự phát triển của AI cũng đi kèm với những rủi ro về an ninh mạng, khi mà các hệ thống AI có thể bị tấn công và lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu.

Với những phân tích, nhận diện về các thách thức do xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, chia sẻ về “Vai trò của Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay”, PGS.TS Phí Mạnh Hồng - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những biến đổi của thị trường và các thất bại thị trường về nguyên tắc sẽ định vị lại vai trò của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Theo đó, ở trường hợp lý tưởng (nhà nước có năng lực), nó phải hướng tới việc sửa chữa các thất bại thị trường với tính chất và quy mô phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên AI hiện nay.

Theo PGS.TS Phí Mạnh Hồng, Nhà nước cần chủ động đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường sá, cầu, cảng, sân bay, hệ thống điện, nước và viễn thông là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Nhà nước cần có các luật và cơ chế kiểm soát để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.

Đồng thời, trong bối cảnh phát triển nhanh về công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa sâu, rộng như hiện nay, nhiều vấn đề toàn cầu nghiêm trọng (như an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu hay kiểm soát sự phát triển của AI) nổi lên mà thị trường hay các chính phủ quốc gia không đơn độc tự giải quyết được. "Trong điều kiện chưa có “chính phủ toàn cầu”, việc phối hợp và hợp tác quốc tế (đa phương, song phương) hiệu quả là vô cùng cần thiết" - PGS.TS Phí Mạnh Hồng nêu.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lan-song-cong-nghe-moi-va-thach-thuc-moi-dat-ra-doi-voi-phat-trien-kinh-te-354922.html