Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

LTS: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ, nhân dân TPHCM thời gian qua. Nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phong phú, gần với đời sống, sinh hoạt của từng địa bàn dân cư để không gian văn hóa đặc biệt này góp phần làm cho mỗi người dân thêm hiểu về sự nghiệp vĩ đại và thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tạo nên nguồn sức mạnh của thành phố mang tên Bác.

Đến thị trấn Củ Chi, chúng tôi khá ấn tượng khi được Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phùng Thị Thu Nhung cho biết, hầu hết gia đình trong thị trấn có treo ảnh và lập bàn thờ Bác. Không chỉ treo ảnh Bác, rất nhiều câu chuyện cảm động, ý nghĩa, tình cảm và sự trân quý của người dân các địa phương về những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được lan truyền...

Trân trọng từng hình ảnh và câu chuyện về Bác

Đến gia đình bà Bùi Thị Thúy ở ấp Hậu, xã Tân An Hội (huyện Củ Chi), chúng tôi ấn tượng thấy tại nơi trang trọng nhất trong nhà được đặt bàn thờ Bác, bên cạnh là gian thờ ông bà. Thấy khách đến thăm, Bà Thúy dừng tay bày biện trái cây trên bàn thờ, nói: “Ngày nào chị cũng đổi bình hoa mới, thay mâm trái cây cho tươi”.

 Mặt tiền căn nhà chị Đặng Thị Hồng Yến, số 71 đường Nguyễn Văn Ni, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM) là bàn thờ Bác và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Nam

Mặt tiền căn nhà chị Đặng Thị Hồng Yến, số 71 đường Nguyễn Văn Ni, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM) là bàn thờ Bác và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân An Hội Võ Thị Mỹ Nương góp chuyện: “Cả ấp Hậu nhà nào cũng treo ảnh Bác, riêng nhà chị Thúy lập bàn thờ Bác đầu tiên. Từ đó, nhiều nhà làm theo, chọn nơi trang trọng nhất trong nhà lập bàn thờ. “Ngày giỗ Bác cũng là ngày giỗ ông nội chị, con cháu về đầy nhà, cười nói vui vẻ, khoe hết chuyện này đến kể chuyện kia về Bác Hồ cho cả nhà nghe”, bà Thúy hồ hởi nói, rồi kéo chúng tôi qua nhà chị Út Lụa bên kia đường giới thiệu bàn thờ Bác, cũng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Gặp chúng tôi, chị Út Lụa tiếc nuối: “Phải hôm 21 tháng 7 vừa rồi anh về thì vui lắm, cả ấp này làm giỗ Bác. Ngày sinh nhật Bác thì tụ họp lại trên văn phòng ấp xem hình ảnh, tư liệu và nghe kể chuyện về Bác”. Chị Út Lụa nói: “Tụi nhỏ thế hệ sau này nhờ có bàn thờ Bác và những hình ảnh, tư liệu về Bác trong nhà, chúng từng bước hiểu thấu đáo hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày”.

Đến nhà chị Võ Thị Hằng cũng ở ấp Hậu, xã Tân An Hội đúng dịp gia đình đang chuẩn bị khai trương Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngay phía sau quán nước giải khát, chị Hằng đặt bàn trưng bày sách báo, tài liệu về Bác, trên tường treo hình ảnh và bìa các quyển sách về những câu chuyện về Bác kèm mã QR. “Ai đến quán nước uống, chị sẽ giới thiệu khu trưng bày này và hướng dẫn khách quét mã nghe những bản nhạc và xem những câu chuyện cảm động về Bác”, chị Hằng giới thiệu.

Về thị trấn Củ Chi, chúng tôi được Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phùng Thị Thu Nhung dẫn đi tham quan nhiều nhà dân. Chị cho biết, hầu hết gia đình trong thị trấn có treo ảnh và lập bàn thờ Bác. Nổi bật nhất là nhà chị Đặng Thị Hồng Yến, số 71 đường Nguyễn Văn Ni. Gia đình dành hẳn bên phải mặt tiền căn nhà để thiết kế bàn thờ Bác và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ban ngày chị kéo cửa cuốn che nắng, che mưa. Chiều tối kéo cửa lên, bật đèn sáng trưng để mọi người ngang qua chiêm ngưỡng hình ảnh, tư liệu về Bác. Ai dừng chân xem xong cũng thắp nén nhang lên bàn thờ, quét mã QR xem thêm hình ảnh và những câu chuyện về Bác.

Cách nhà chị Yến không xa là phòng khám vật lý trị liệu Nam Quyên của gia đình chị Chung Thị Kim Liên, cũng dành hẳn vị trí trang trọng trong nhà lập bàn thờ Bác. Bệnh nhân nào đến khám đều thắp nén nhang lên bàn thờ. Khi ra về được nghe giới thiệu hình ảnh, tư liệu về Bác treo trên tường. “Ai cần treo ảnh Bác ở nhà là tôi tặng một khung ảnh Bác”. “Tới nay chị đã tặng được bao nhiêu ảnh Bác rồi?”, chúng tôi hỏi. “Từ hôm khai trương 19-5 tới nay, chúng tôi tặng mấy trăm ảnh rồi”. “Có ai đóng góp với gia đình không?”. “Mỗi khung ảnh Bác tôi đặt mua 50.000 đồng, được trích từ lợi nhuận của phòng khám và con cháu trong gia đình đóng góp”, chị Liên vui vẻ nói.

Hình thành môi trường văn hóa Hồ Chí Minh

Với tay xé tờ lịch xem tuần mới có Thánh lễ trọng nào không, ông Nguyễn Ngọc Khuê dặn vợ: “Tuần này bà sắp xếp thời gian dự họp chi bộ cùng tôi đấy nha”. Thấy chúng tôi bước vào, bà Hương vợ ông, khoe: “Cái Chinh nhà tôi tuần này kết nạp Đảng đấy. Đáng lẽ cháu kết nạp dịp sinh nhật Bác vừa rồi nhưng do nghỉ hậu sản, nên hoãn lại đến giờ”.

Nhìn lên khu gian thờ đặt trang trọng giữa nhà, chúng tôi thấy phía trên là tượng Chúa Jesus, cạnh bên có ảnh Bác được phóng to đóng khung trang trọng. “Nhà tôi có Chúa, có Bác và mấy đảng viên nữa đấy. Các cháu tiếp nối bố đi theo Bác, theo Đảng mấy chục năm nay rồi”, bà Hương nói thêm. Cũng theo bà Hương, thấy nhà bà có lập bàn thờ, cúng giỗ Bác hàng năm, nhiều gia đình trong giáo họ và Giáo xứ Bắc Hà, thị trấn Củ Chi cũng làm theo. “Các buổi đọc kinh trong giáo họ, mọi người thường trích dẫn 10 điều Chúa răn, đối chiếu với tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ thấy có nhiều nét tương đồng nên bảo nhau cùng học tập, làm theo trong cuộc sống hàng ngày”, ông Khuê góp chuyện.

Ở thị trấn Củ Chi có Tịnh thất Huệ Nghiêm và miếu Quan Đế xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ lâu cũng trở thành điểm sinh hoạt về tư tưởng, đạo đức Bác Hồ sau giờ tụng kinh, cúng lễ mỗi tối. Sư cô Huệ Hiền, trụ trì Tịnh thất Huệ Nghiêm, giới thiệu: “Tối nào sau buổi giảng pháp sư, chúng tôi đều dành thời gian kể những câu chuyện về tư tưởng, đạo đức của Bác để phật tử nghe, ứng dụng thực hành theo giáo lý”. Còn tại miếu Quan Đế, ông Tạ Hỷ Dân, Trưởng Ban Trị sự, giới thiệu: “Miếu là nơi thờ cúng, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào người Hoa trong khu vực. Tại đây trưng bày, giới thiệu hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lời dạy của Bác gắn với công tác dân tộc, tôn giáo để mọi người thấm nhuần, học tập và làm theo”.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết, những buổi sinh hoạt truyền thống không hiếm tại bảo tàng vào những ngày nghỉ. Ngoài các hoạt động như kết nạp Đảng, kết nạp đoàn, đội, các lễ ra quân phong trào thi đua yêu nước, sinh hoạt chuyên đề… của nhiều cơ quan, đơn vị, còn có nhiều gia đình đến đây tổ chức sinh hoạt, học tập rất ý nghĩa. Như anh Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và một số đồng chí lãnh đạo khác, chủ nhật nào không bận công tác thường đưa vợ con, ông bà đến tham quan, sinh hoạt ở bảo tàng. Hình ảnh đó đã làm phong phú thêm cho các hoạt động ở bảo tàng và tạo ra một môi trường văn hóa Hồ Chí Minh giữa lòng thành phố mang tên Bác kính yêu.

Trong một lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, chúng tôi đứng dưới hàng cây bên hồ sen nghe câu chuyện về một gia đình 3 thế hệ có buổi sinh hoạt sau giờ tham quan tìm hiểu tại bảo tàng. Người đàn ông đứng tuổi nói: “Tuần này nhà mình trở lại bảo tàng tham quan, ba muốn được nghe các con và 5 đứa cháu nội ngoại nói về những việc đã học tập, làm theo được như Bác. Nào, gái lớn ba nói trước đi”. “Để cháu nội nhỏ nhất nhà nói trước đi ba”. “Con đã làm được theo lời dạy của Bác “cần - kiệm”, với kết quả đập heo được hơn 3 triệu đồng. Số tiền trên con gửi về ngoại ở Cần Giuộc mua tập, sách, áo mới tặng các bạn khó khăn rồi ạ”. “Được, nội biểu dương Minh. Thế ba con thì sao?”. “Để tuần sau con nói đi ba. Tuần này chị hai và mấy đứa nhỏ đi”… Buổi sinh hoạt gia đình rộn tiếng nói cười, cổ vũ tinh thần với các thành viên đã làm được những điều hay, việc tốt.

THU HOÀI - MINH ĐỨC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-post765009.html