Lan tỏa tiếng thơm phụ nữ Hà thành

Chiếm gần 51% dân số của thành phố, phụ nữ Thủ đô ngày nay có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện, thanh lịch, văn minh.

Phụ nữ phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) dọn vệ sinh trên địa bàn phường. Ảnh: Nguyễn Quang

Giữ gìn nền nếp gia phong

Lật giở trang sử Việt Nam, có thể thấy hình bóng phụ nữ thành công trong sự nghiệp khá mờ nhạt, bởi lễ giáo phong kiến đã kìm hãm khả năng của họ. Song, không vì thế mà vai trò của người phụ nữ trong giáo dục truyền thống, gìn giữ nếp sống gia đình bị xem nhẹ. Từ xa xưa đã xuất hiện thành ngữ “phúc đức tại mẫu”, “con dại cái mang”, cho thấy vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình, đặc biệt là về phương diện giáo dục con cái. Người mẹ dạy con phép ứng xử ngay từ khi con còn thơ bé. Tình yêu thương, ý thức trách nhiệm, tính tự lập..., tất cả đều được hình thành qua từng ngày, từng nếp sinh hoạt mà mẹ vừa là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ vừa là tấm gương mà các con đều muốn noi theo.

Trong nhiều câu chuyện kể về nếp nhà Hà Nội, có thể nhận thấy rõ, nét thanh lịch, hào hoa của các chàng trai, cô gái Hà thành được nuôi dưỡng, uốn nắn ngay từ bé. Bà Lê Thi, con gái của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm, từng tâm sự, cha mẹ bà rất coi trọng sự quây quần của các thành viên trong gia đình vào mỗi bữa cơm. Cho nên, bữa cơm của gia đình bà chỉ được bắt đầu khi cả nhà đã ngồi đông đủ. Bên mâm cơm, nếp ăn luôn được mẹ nhắc nhở, dặn dò rất kỹ, từ cách đặt đũa, xới cơm, biết “ăn trông nồi ngồi trông hướng” đến lời mời đầu bữa, xin phép đứng lên khi đã dùng xong... Tất cả những điều nhỏ bé ấy đã tạo nên thói quen ứng xử văn minh, thanh lịch cho các con, từ đó góp phần hình thành tính cách, lối sống.

Chị Vũ Thu Hồng, Quản lý nhân sự của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), kể rằng, tuổi thơ của chị song hành cùng rất nhiều câu ca dao. Mẹ chị, một người con gái Hà Nội, thường dạy con về tình cảm gia đình, về đối nhân xử thế bằng ca dao tục ngữ Việt Nam. Những câu ca có vần có điệu, dễ thuộc, dễ nhớ lại sâu sắc, thâm thúy đã neo lại rất lâu trong tâm hồn của chị, kể cả khi đã trưởng thành.

Những cách mà nhiều phụ nữ Hà Nội để sử dụng để dạy con ấy, có lẽ chính bản thân họ không nghĩ đó cũng là góp phần giữ gìn truyền thống, hình thành nếp sống đẹp cho chính mình và những người xung quanh, góp phần xây dựng con người thanh lịch, xã hội văn minh. Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy, trong bài viết Người Tràng An, từng nhận xét: “Người Tràng An ở với nhau, “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”, “suy bụng ta ra bụng người”. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý, không “bỏ được lòng nhau”... Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ “thanh lịch”.

Từ lâu, phụ nữ Hà Nội đã được ngợi ca trong biết bao nhiêu trang sách về sự khéo léo, nhã nhặn và tinh tế, nhưng cũng thực tháo vát, đảm đang. Đáng quý biết bao khi những đức tính ấy được người phụ nữ trao truyền cho các thế hệ sau.

Những năm gần đây, qua mạng xã hội và các tổ chức xã hội, trong giới nữ Thủ đô xuất hiện nhiều phong trào mang tính cổ vũ nét đẹp văn hóa truyền thống, cách ứng xử văn minh, thanh lịch như cùng nhau mặc áo dài trong dịp Tết, dạy con làm bánh trôi, bánh trung thu, rủ nhau cùng gói bánh chưng đón năm mới, chia sẻ kinh nghiệm sống xanh, “nói không” với túi nilon, cùng con tham gia các chương trình “đổi giấy lấy cây”, thu gom quần áo, sách cũ... Muôn kiểu “chơi” Tết giúp trẻ em được trải nghiệm, từ đó hiểu hơn về ý nghĩa của các ngày lễ truyền thống, tìm thấy niềm vui, sự yêu thương, chia sẻ trong bầu không khí ấm áp quây quần tụ họp. Những chương trình sống xanh dạy trẻ biết tiết kiệm, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng tình yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh...

Chính những chương trình, hành động, việc làm này cho thấy vai trò then chốt của người phụ nữ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội trong việc duy trì, sáng tạo và phát triển những phong tục đẹp, những nếp sống hay, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và hình thành giá trị văn hóa hiện đại.

Người mẹ vừa là người thầy đầu tiên vừa là tấm gương để các con noi theo. Ảnh: Anh Tuấn

Hạt nhân trong các phong trào

Nếu như trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong việc rèn thói quen văn hóa cho các thành viên, trong việc xây dựng tổ ấm, giữ gìn gia phong, nền nếp thì ở ngoài xã hội, nhiều người phụ nữ là tấm gương ứng xử đẹp.

Ở khắp các xã phường, biết bao mô hình hay đã được phụ nữ và các cấp hội phụ nữ phát động để hưởng ứng phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Đó là các mô hình, phong trào như: “3 sạch” tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), “Tuyến phố 2 không” tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản” tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), “Sạch đồng ruộng” tại phường Cự Khối (quận Long Biên), “Đoạn đường nở hoa” tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường” tại xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)... Những mô hình này ngày càng được nhân rộng ra khắp các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của tổ chức hội phụ nữ đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự chuyển biến trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân để xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh.

Những mô hình sáng tạo của phụ nữ Thủ đô đã góp phần cụ thể hóa Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Phụ nữ Hà Nội đóng vai trò hạt nhân trong việc tuyên truyền và thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”; Hội thi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thân thiện; Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu...

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31-8-2016 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh những năm vừa qua đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Có thể thấy, tại nơi công cộng, trong công sở, cách ứng xử của người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã có chuyển biến tích cực; trong thành công đó, dễ dàng thấy được vai trò nòng cốt, tính nêu gương của các bà, các mẹ trong gia đình, của các cấp hội phụ nữ.

Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn rộng, dân cư đông và thành phần đa dạng, trong đó có nhiều lao động nhập cư, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, nói tục chửi bậy, ăn mặc phản cảm, vứt rác bừa bãi, chiếm dụng lòng đường, hè phố gây mất mỹ quan đô thị... Việc xây dựng cộng đồng văn minh phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của từng người qua từng việc nhỏ, tuy nhiên, sự đồng thuận không đến một cách dễ dàng. Như tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), bà Nguyễn Thị ánh, Tổ dân phố số 1, cho biết: “Trước hiện tượng người dân ở khu dân cư vào các buổi tối cho chó phóng uế bừa bãi trong các đường ngõ, đại diện tổ dân phố và chi hội phụ nữ đã nhắc nhở, góp ý nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi”...

Rõ ràng thay đổi nhận thức, thói quen, cách ứng xử ở mỗi người dân không thể chỉ là việc trong một sớm một chiều. Vì vậy, rất cần sự sát cánh, sẻ chia của phái mạnh, của các cấp chính quyền bên cạnh phụ nữ Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Để Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, cần lắm mỗi người dân sống trong lòng Hà Nội cùng chung tay xây dựng, giữ gìn nếp sống văn minh, cách ứng xử cao đẹp. Và đặc biệt, mỗi người phụ nữ Thủ đô cùng với các cấp hội phụ nữ không chỉ kế thừa và lan tỏa giá trị, phẩm chất của người phụ nữ Hà Nội truyền thống, mà còn phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo nhiều hơn nữa trong xây dựng phẩm chất người Hà Nội hiện đại thanh lịch, văn minh.

Hạ Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981210/lan-toa-tieng-thom-phu-nu-ha-thanh