Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ trong tuổi trẻ Bình Phước. Từ bàn tay, trí óc và nghị lực của tuổi trẻ, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế thành công, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh.

Sinh ra từ làng - làm giàu từ nông nghiệp

Sinh ra và lớn lên, gắn bó với làng quê, nhiều thanh niên khu vực nông thôn đã mạnh dạn tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong những năm gần đây, xu hướng người trẻ phát triển kinh tế từ nông nghiệp ngày càng gia tăng. “Làn sóng” khởi nghiệp từ nông nghiệp trong thanh niên tại Bình Phước đã phát triển sôi nổi. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn đầu tư vốn, lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để làm giàu.

Chúng tôi được Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh Nguyễn Tấn Hiếu dẫn đi thăm vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Lê Minh Trung ở xã Lộc Hưng. Anh Hiếu cho biết: “Đây là mô hình khởi nghiệp thành công nhất của thanh niên Lộc Ninh trong 5 năm trở lại đây. Anh Trung đang sở hữu 9 nhà lưới trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích khoảng 6.000m2”.

Nói về lý do chọn trồng dưa lưới để phát triển kinh tế, anh Trung cho biết: “Tôi mê làm nông nghiệp nhưng lại không có đất trồng lúa, cao su như nhiều người dân trong xóm. Sau khi thấy nhiều mô hình trồng dưa lưới trong tỉnh thành công, tôi đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm, rồi quyết định đầu tư 2 nhà lưới trồng dưa lưới công nghệ cao”. Sau 2 năm vừa trồng thử vừa rút kinh nghiệm, đến nay anh Trung đã có nguồn thu ổn định nhờ cung ứng mỗi năm gần trăm tấn dưa cho thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Chị Bùi Thị Hằng ở ấp 6, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm mối đen

Chị Bùi Thị Hằng ở ấp 6, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm mối đen

Khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng là lựa chọn của nhiều người trẻ khác. Sinh ra trên mảnh đất Bình Phước, cuộc sống của gia đình chị Bùi Thị Hằng ở ấp 6, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài gắn liền với cây cao su. Khi cao su rớt giá liên tục, chị trăn trở tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Năm 2018, chị bắt đầu tìm hiểu kiến thức trên internet và sang tỉnh Đồng Nai học kinh nghiệm thực tế trồng nấm mối đen. Chị Hằng chia sẻ: “Tôi thấy nấm là thực phẩm sạch, có thể phát triển được. Nấm mối đen thì chưa ai trồng, tôi muốn thử sức nên lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình”.

Khởi nghiệp trong thanh niên Bình Phước đã có sự lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2020, toàn tỉnh có 50 mô hình thanh niên khởi nghiệp, đến năm 2021 tăng lên 70. Nhiều sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã mang lại giá trị kinh tế cao, như: Bơ ông Hoàng, hạt điều Vinahe, cà phê Công…

Anh Trần Hoàng Trực, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh

Sau khi trồng thử thành công lứa đầu, chị Hằng đã đầu tư 500 triệu đồng làm nhà trồng nấm, mua sắm thiết bị hấp, sấy sản xuất phôi nấm. Hiện nay, trại nấm mối đen của chị có khoảng 3.000 bịch phôi, cho thu hoạch từ 300-500kg nấm/lứa. Trồng nấm mối đen được đánh giá là mô hình mới, khó thành công tại Bình Phước, bởi loại nấm này đòi hỏi khắt khe về môi trường sinh trưởng, phải kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm trong trại cũng như tuân thủ chuẩn xác các khâu hấp phôi, làm giống… Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cũng là thách thức, tuy nhiên, bằng sự kiên trì, quyết tâm cao, chị Hằng đã gặt hái được thành công.

Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm nấm mối đen của chị Hằng là bán lẻ trong tỉnh và cung cấp cho một số nhà hàng, quán ăn tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Điều đặc biệt là chị Hằng đã ứng dụng công nghệ vào quá trình chăm sóc, phát triển trại nấm. Tất cả khâu từ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm đến tưới nước đều được thao tác trên điện thoại thông minh, giúp giảm chi phí nhân công nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điểm chung dễ nhận thấy ở các mô hình khởi nghiệp của bạn trẻ tại Bình Phước, đó là ở họ luôn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Chính nhờ dám nghĩ, dám làm, họ đã thành công bằng chính ý tưởng và ý chí làm giàu của bản thân.

Khởi nghiệp - khó mà dễ

Ở mỗi mô hình khởi nghiệp, một câu hỏi được đặt ra “Khởi nghiệp có khó không?” và câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Khởi nghiệp không khó nếu có đam mê. Cứ làm bằng tất cả đam mê rồi khi thành công lại thấy tuy khó mà dễ” - đoàn viên Thiều Đình Duẩn ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh làm giàu từ nuôi cá thương phẩm, chia sẻ; hay “Không dễ đâu chị ạ, nhưng chịu khó, chịu khổ, dám học tập thì cũng không khó” - anh Hoàng Văn Bộ ở xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài khởi nghiệp từ nuôi thỏ thương phẩm...

Kể về khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ chia sẻ, thiếu kỹ năng, kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt gây thiệt hại nặng về cây - con giống là thách thức đầu tiên. Khởi nghiệp từ mô hình nuôi chim trĩ, anh Nghiệp Thế Vĩnh ở ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú cho biết: “Một vài lứa chim con đầu tiên, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên trại chim hầu như không còn con nào”. Để nắm chắc kỹ thuật nuôi, anh Vĩnh đã đi học tập kinh nghiệm thực tế ở một số trại nuôi chim trĩ tại tỉnh Bình Dương, rồi tự học thêm từ các mô hình nuôi chim trĩ trên internet. “Ban đầu, tôi nuôi thử nghiệm 6 cặp để hiểu hết đặc tính và quy trình nuôi, sau đó mới đầu tư nuôi số lượng lớn. Chim trĩ có nguồn gốc hoang dã, dễ nuôi, sức đề kháng cao hơn so với các loại gà, vịt, tuy nhiên yếu điểm của loài chim này ở giai đoạn đầu mới nở, chim rất yếu, không biết cách chăm sóc sẽ gây thiệt hại nặng” - anh Vĩnh cho hay.

Nuôi chim trĩ - mô hình phát triển kinh tế của thanh niên xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Nuôi chim trĩ - mô hình phát triển kinh tế của thanh niên xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Còn với mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Hoàng Văn Bộ ở ấp 7, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài thì sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, nhiều lần đàn thỏ mắc bệnh đường ruột, bỏ ăn rồi chết. Anh Bộ đã phải tìm hiểu kinh nghiệm trị bệnh cho thỏ từ nhiều nguồn khác nhau mới thành công. Anh Bộ cho biết: “Thỏ của tôi chủ yếu cung ứng cho các quán ăn, nhà hàng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nhà hàng đóng cửa nên thỏ không bán được, đành phải giảm số lượng nuôi”. Hiện nay, anh Bộ nuôi 40 thỏ mẹ và hơn 100 con thỏ thịt. Lúc cao điểm, trang trại của anh nuôi 500 con thỏ thịt, sẵn sàng cung ứng thịt thỏ cho thị trường Đồng Xoài và thỏ giống cho người dân xung quanh. Thời điểm này, thỏ thịt trên thị trường được thu mua với giá 100 ngàn đồng/kg. Nuôi thỏ thương phẩm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Bộ trong những năm vừa qua. Anh Bộ chia sẻ: “Phải thực sự đam mê, dù khó khăn, thất bại không nản lòng, kiên trì học hỏi kinh nghiệm mới thành công khi khởi nghiệp”.

Sống có lý tưởng, có trình độ chuyên môn cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên Bình Phước đã thành công. Trong năm 2021, Tỉnh đoàn Bình Phước đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với hơn 465,3 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay, trong năm 2021, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên Bình Phước tiếp tục có nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả kinh tế cho đoàn viên, thanh niên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lê Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/73/131350/lan-toa-tinh-than-khoi-nghiep-trong-thanh-nien