Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu trong thời đại hiện nay. Xác định tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tại Hưng Yên, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là cho học sinh, sinh viên.

Các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại huyện Kim Động

Có mặt trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 được tổ chức tại Nhà văn hóa huyện Kim Động vừa qua, chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên ở xã Đức Hợp (Kim Động) chia sẻ: Hai con của tôi rất thích đọc sách, truyện nên mỗi khi các cháu có thành tích tốt trong học tập hoặc vào các dịp đặc biệt, tôi thường mua sách, truyện để làm phần thưởng cho con, kích thích tình yêu đối với sách, đồng thời thông qua đó định hướng các con đọc những loại sách phù hợp với lứa tuổi. Là giáo viên, tôi cũng duy trì việc đọc sách hằng ngày để hoàn thiện vốn kiến thức cũng như xây dựng thói quen đọc sách cho các con và học sinh của mình.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, năm 2022, xã Long Hưng (Văn Giang) đã phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa và giáo dục Tân Việt xây dựng không gian văn hóa đọc cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Như Lân với hơn 6.000 đầu sách được chia theo các chủ đề thuộc lĩnh vực lịch sử, triết học, pháp luật, nghệ thuật, văn học, kinh tế, giáo dục… Đã thành thói quen, từ khi có không gian văn hóa đọc cộng đồng này, những ngày nghỉ cuối tuần, em Nguyễn Cao Bảo Như, học sinh lớp 7 Trường THCS Long Hưng lại đến đọc sách tại nhà văn hóa. Em Như chia sẻ: Mỗi cuốn sách như những người bạn mang đến cho em nhiều cảm xúc khác nhau. Có những cuốn sách cho em thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, có những cuốn sách lại mang đến sự giải trí. Em hy vọng không gian văn hóa đọc cộng đồng này sẽ ngày càng có thêm nhiều sách hay để chúng em có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích. Không chỉ thanh thiếu nhi, người dân trong khu dân cư cũng rất hào hứng khi không gian văn hóa đọc cộng đồng được xây dựng. Đồng chí Nguyễn Mậu Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Như Lân khẳng định: Việc xây dựng không gian văn hóa đọc cộng đồng tại nhà văn hóa của thôn rất thiết thực, ý nghĩa, nhất là đối với việc giáo dục trẻ em trong cuộc sống hiện đại, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Từ khi có không gian văn hóa đọc cộng đồng, người dân trong thôn rất tích cực đến hưởng ứng, góp phần lan tỏa văn hóa đọc tại địa phương.

Toàn tỉnh hiện nay có 1 thư viện tỉnh; 10 thư viện huyện/thị xã/thành phố; 2 thư viện xã; 5 thư viện tư nhân; hơn 800 tủ sách cơ sở. Thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập theo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Thư viện tỉnh thường xuyên đổi mới hoạt động, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức ủng hộ sách, báo cho thư viện, nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo, tạp chí. Thư viện tỉnh đang có gần 180.000 cuốn sách phục vụ bạn đọc với đầy đủ các thể loại, phục vụ hàng nghìn lượt bạn đọc/năm. Thực hiện phương châm “Sách tìm bạn đọc”, Thư viện tỉnh đã thực hiện luân chuyển sách, báo để người đọc ở các huyện, thị xã, thành phố được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay. Trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 92.110 lượt sách, báo, tài liệu cho trên 90 điểm thư viện, tủ sách cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã và thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Việc luân chuyển sách về cơ sở đã giúp tăng vòng quay của sách, nâng cao hiệu quả sử dụng sách, báo; làm phong phú thêm vốn sách, báo cho thư viện, tủ sách cơ sở; đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, giải trí, tạo thói quen đọc sách, báo cho người dân.

Không gian văn hóa đọc cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Như Lân, xã Long Hưng (Văn Giang)

Đồng chí Đỗ Văn Kiểm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực như: Trưng bày, giới thiệu sách, báo và xếp mô hình sách nghệ thuật; trao tặng sách cho các thư viện, tủ sách cơ sở, thư viện trường học; thi vẽ tranh theo sách với chủ đề “Cùng em đọc sách”; tôn vinh các cá nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc… Những hoạt động thiết thực đó cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở ở tỉnh đang là cầu nối đưa tri thức tới các tầng lớp Nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người Hưng Yên trong thời kỳ mới.

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202304/lan-toa-van-hoa-doc-trong-cong-dong-03106ae/