'Làng đỏ' trên vành đai trắng

Những thành quả, bài học kinh nghiệm của việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương của người dân thôn Xuân Long là hành trang vô giá đồng hành với Đảng bộ và nhân dân xã Trung Hải, Gio Linh đi đến tương lai ngày càng ấm no, hạnh phúc, thái bình.

 Ông Phan Văn Linh (bên trái) ở thôn Xuân Long luôn trân quý những danh hiệu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng

Ông Phan Văn Linh (bên trái) ở thôn Xuân Long luôn trân quý những danh hiệu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng

Những ngày qua, ông Phan Văn Linh (năm nay 81 tuổi) tự tay nâng niu, gắn lá cờ đỏ sao vàng vào sào tre cao hơn 3 m để chào mừng lễ Quốc khánh 2/9. Ông muốn cờ Tổ quốc phải được treo cao đón gió thu từ sông Bến Hải thổi vào để lá cờ luôn tung bay mạnh mẽ. Ngôi nhà của gia đình ông Linh đang sinh sống tại thôn Xuân Long, xã Trung Hải, cách bờ Nam sông Bến Hải chỉ vài chục mét, ngay bến đò lịch sử mà trước đây đêm đêm cán bộ và nhân dân thường vượt tuyến ra sinh sống và công tác ở Vĩnh Linh. Ông Linh nhớ lại, những năm đất nước còn chiến tranh, mỗi lần đến lễ, tết hoặc ngày Quốc khánh 2/9, bà con hai miền về cầu Hiền Lương đứng chật đôi bờ sông Bến Hải tìm người thân, họ vẫy tay, gọi tên cha mẹ, vợ con, anh chị, bạn bè, cố tìm ra một hình dáng thân quen là bà con ruột thịt, thân thích của mình ở bờ bên kia khiến ai cũng vô cùng xúc động… Đài truyền thanh Vĩnh Linh lại phát bài hát “Tình trong lá thiếp” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để nói lên nỗi nhớ thương, sắt son, mong ước nước nhà thống nhất của nhân dân ta, nhất là người dân hai bên bờ sông Bến Hải. Khát khao đánh giặc để quê hương sớm được giải phóng, từ tuổi nhỏ ông Linh đã tham gia cách mạng, vào du kích của xã Trung Hải ngày đêm gan dạ đánh giặc Mỹ cứu nước.

Từ năm 1967 trở về sau thì vùng đất thôn Xuân Long nói riêng cũng như xã Trung Hải nói chung đã trở thành vành đai trắng của hàng rào điện tử Mắc Namara, ngày đêm bom đạn địch quần nát xóm làng. Người dân sơ tán ra Bắc, chỉ còn lại du kích bám trụ chiến đấu cùng những người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Du kích thôn Xuân Long đã chiến đấu vô cùng mưu trí và gan dạ. Chiến công lẫy lừng nhất của ông Linh là sáng tạo ra cách đánh máy bay đối phương bằng đặt mìn định hướng. Hằng ngày máy bay trinh thám của quân đội ngụy thường quần nát địa bàn thôn Xuân Long để tìm nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng. Ông Linh phát hiện ra quy luật của máy bay địch là chủ quan, bay rất thấp, có thể tiêu diệt được. Hôm ấy là một ngày đầu năm 1968, ông Linh chọn một vị trí bây giờ là giữa làng Xuân Long, nơi có cây dưới rất cao và hai ngôi mộ rất to để gắn mìn định hướng quyết ra tay với quân thù. Tôi hỏi vì sao chọn địa điểm này, ông Linh cho biết nhiều lần trinh sát thấy máy bay địch khi qua vị trí này bay là là rất thấp, sát ngọn cây dưới. Vì vậy ông gài mìn định hướng ngay trên ngọn cây dưới đợi máy bay tiến đến thì cho mìn nổ. Giờ G đã điểm, được sự hỗ trợ của đồng đội, chiếc máy bay L16 của địch vừa bay đến sát trên ngọn cây dưới đã trúng mìn của ông Linh gài sẵn nên bốc cháy dữ dội. Với thành tích này, ông Linh được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngay vị trí ông Linh gài mìn định hướng đánh cháy máy bay địch hiện đang được cơ quan chức năng làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử. Ông Linh cũng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Thượng tá quân đội về hưu Bùi Ngọc Quốc hiện là bí thư chi bộ thôn, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Xuân Long cho biết, Xuân Long là “ngôi làng đỏ” trên vành đai trắng. Thôn có 196 hộ dân nhưng có đến 140 liệt sĩ , 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm thương binh và người có công với cách mạng; trong đó Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Nga có hai người con trai và chồng hi sinh vào năm 1966, 1967; Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Thự có chồng và 2 người con liệt sĩ. Gia đình ông Bùi Ngọc Quốc nổi tiếng có truyền thống cách mạng. Bố ông là Bùi Ngọc Ái tham gia cách mạng từ những năm 1945, có 5 người con thì đã có 4 người con trai xung phong vào bộ đội chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Nối tiếp truyền thống cha ông, con trai của ông Quốc hiện là sĩ quan quân đội. Ông Quốc cho biết có hai người con của làng đang được đề nghị cấp trên công nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng trong chiến tranh, năng động trong thời bình, hôm nay Xuân Long xứng đáng là thôn tiêu biểu trong xây dựng và phát triển kinh tế của xã Trung Hải. Thôn có gần 100 ha lúa sản xuất hai vụ, 13 ha nuôi tôm cùng nhiều mô hình sản xuất rau sạch đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Trong xây dựng nông thôn mới, Xuân Long luôn điển hình, đi đầu. Ông Bùi Ngọc Quốc cho biết, ngày lễ Quốc khánh nhân dân trong thôn ai cũng bùi ngùi, xúc động. Sống trong hòa bình, độc lập họ trân quý, thương tiếc đồng chí, bà con đã ngã xuống trong những năm chiến tranh để quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương nên nguyện cùng nhau đoàn kết, sống tốt hơn nữa để luôn xứng đáng với công lao của cha ông. Trên bàn thờ của mỗi gia đình ở thôn Xuân Long ai cũng thờ ảnh Bác Hồ kính yêu. Vụ hè thu năm nay được mùa, bà con ai cũng vui mừng chuẩn bị gạo mới, gà nuôi được trong vườn nhà để soạn mâm cơm dâng lên bàn thờ Bác Hồ và ăn mừng Tết độc lập.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Hải Lê Văn Sơn cho biết, trong hoàn cảnh nào người dân Xuân Long đều luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, dựa vào sức mạnh nội lực, đồng thời biết tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các cấp để xây dựng làng xóm ngày càng trù phú, giàu mạnh. Chi bộ Xuân Long tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, gắn bó với dân, năng động, dám nghĩ, dám làm để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tích rất đáng tự hào. Những thành quả, bài học kinh nghiệm của việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương của người dân thôn Xuân Long là hành trang vô giá đồng hành với Đảng bộ và nhân dân xã Trung Hải đi đến tương lai ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trần Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141971