Làng gốm Chăm Bàu Trúc khôi phục sản xuất trong tình hình mới
Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các nghệ nhân, thợ lành nghề tại làng nghề gốm cổ Chăm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) đang đẩy mạnh thiết kế để tạo sự đột phá trong sản xuất các dòng sản phẩm gốm truyền thống có hàm lượng thẩm mỹ cao, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Những ngày tháng 2/2022, tại làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, không khí làm việc rất khẩn trương sau thời gian dài hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều cơ sở sản xuất gốm truyền thống của hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề đã bắt nhịp sản xuất trở lại trong điều kiện "bình thường mới", báo hiệu một giai đoạn phát triển mới của làng nghề gốm cổ có tuổi đời hàng trăm năm nay.
Vừa rắc nước lên khối đất đất sét vừa liên tục nhào nặn cho nhuyễn, chị Đàng Thị Nhánh (thị trấn Phước Dân) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nơi gồm các loại tượng, đèn gốm, lục bình, các sản phẩm lưu niệm, đồ gia dụng... Ba thành viên trong nhà đang làm việc cật lực để kịp nung sản phẩm giao cho khách hàng. Mọi người mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để có việc làm và nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Trong khi đó, tại Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, sự tấp nập thường có đã bắt đầu hiện hữu. Các nghệ nhân, thợ lành nghề đang đẩy mạnh sản xuất, du khách tới tham quan, mua sắm và xe cộ bắt đầu ra vào làng nghề nhiều hơn để vận chuyển các mặt hàng gốm đi các nơi.
Chị Đàng Thị Tuyết Hằng, thành viên Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, chị cùng các thành viên hợp tác xã đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 từ đủ hai mũi trở lên. Hợp tác xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch giúp mọi người an tâm sản xuất. Hiện các thành viên đang đẩy mạnh cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, gốm mỹ nghệ, thay đổi mẫu mã để tạo ra những sản phẩm mới kết hợp trang trí hoa văn độc đáo, đảm bảo chất lượng để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, năm 2021 do tác động bởi đại dịch COVID-19, có thời điểm, Hợp tác xã phải tạm ngưng sản xuất, tạm dừng đón khách để tập trung cho công tác chống dịch. Đây cũng là khoảng gian để hợp xác xã định hướng lại chiến lược sản xuất và kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh duy trì sản xuất dòng gốm Chăm truyền thống, để tạo sự đột phá trong sản xuất, Hợp tác xã đang đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế, sản xuất dòng gốm trang trí hiện đại, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ cao có giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng để cung cấp cho thị trường.
Ông Thuần chia sẻ: Chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào sản xuất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay, các đối tác khách hàng, các khu du lịch, khu resort tại các tỉnh, thành hoạt động trở lại với nhu cầu gốm trang trí nội, ngoại thất rất lớn, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm gốm của hợp tác xã rất khả thi. Bên cạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp, Hợp tác xã phát triển kênh kinh doanh bán sản phẩm online trên website, mạng xã hội để thích ứng với thị trường. Sản phẩm hợp tác xã làm ra hiện nay có khả năng không kịp cung cấp cho khách hàng nên đang cần một lượng nhân lực rất lớn để sản xuất. Đơn cử như lô hàng 100 lục bình gốm cao hơn 2 mét được đối tác ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đặt từ trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay chúng tôi mới giao được 30 chiếc, số hàng còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 46 thành viên. Thời gian qua dù gặp không ít khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, song Hợp tác xã rất chủ động và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới", tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để đảm bảo hoạt động sản xuất gắn với du lịch an toàn. Nhờ đó, hoạt động sản xuất được phục hồi, các thành viên của Hợp tác xã có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Làng Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương, trong đó có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động. Trước những tác động của dịch COVID-19, ngoài hợp tác xã và các cơ sở tìm được hướng đi mới, một số hộ sản xuất gốm nhỏ, lẻ gặp khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm, thiếu vốn tái đầu tư, hoạt động chưa hết công suất như thời điểm trước dịch.
Để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; triển khai các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nói chung và các làng nghề nói riêng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tại các làng nghề để tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới.
Với các cơ sở sản xuất tại làng nghề, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới cần linh hoạt, chủ động xây dựng phương án sản xuất. Cùng với đó, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng cường nắm bắt thông tin, chủ động liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.