Lắng nghe người dân hiến kế: Nhà ở cho công nhân đang rất bức thiết
Để hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, TP HCM cần quan tâm nhiều hơn nữa đến an sinh xã hội, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn
TP HCM hiện có 17 KCX, KCN đã đi vào hoạt động. Số lượng công nhân làm việc trong các KCX, KCN của TP HCM lên đến hàng trăm ngàn người.
Khó khăn, vướng mắc
Thế nhưng, đa số người lao động (NLĐ) nhập cư phải cư trú trong những khu nhà trọ do người dân tự xây dựng. Trong đó, có thể có những nhà trọ chưa bảo đảm an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy; điện, nước; vệ sinh môi trường.
Với người nhập cư, việc sở hữu một căn hộ của riêng mình là hết sức khó khăn. Một thực tế là dù muốn tăng lương cho NLĐ trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước không phải là việc dễ dàng bởi còn liên quan rất nhiều yếu tố khác. Vì vậy, cách chăm lo tốt nhất cho NLĐ là bằng những chính sách xã hội như nhà ở, nơi giữ trẻ, chăm sóc sức khỏe, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với người nhập cư...
Việc quy hoạch xây các căn hộ chung cư bài bản sẽ tạo ra mỹ quan đô thị, tránh được cảnh chen chúc nhếch nhác, mất an ninh trật tự, khắc phục được vấn đề tội phạm và góp phần bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Vì vậy, việc quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân trong thời gian tới là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Để làm được điều đó, trước hết cần phải có kế hoạch và lường trước những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đồng thời quan tâm thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ.
Những khó khăn, vướng mắc chính trong xây dựng nhà ở cho công nhân hiện nay có nhiều nguyên nhân, song có những nguyên nhân phải kể tới là hai vướng mắc lớn nhất: quỹ đất và nguồn vốn.
Một khó khăn nữa là mấy năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến kế hoạch, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trong KCN, công ty kinh doanh hạ tầng KCN và các đối tượng liên quan, tác động đến việc giảm đăng ký xây dựng nhà ở cho công nhân của các DN trong KCN.
Ngoài ra, NLĐ không mặn mà với nhà lưu trú công nhân bởi những bất tiện như: không được tiếp khách trong phòng, bạn bè người thân tới thăm đều phải ở bên ngoài, chỉ cho người độc thân ở; không cho nấu ăn, xa nơi làm việc...
Việc đầu tư, quản lý, sử dụng nhà ở công nhân còn gặp khó khăn, mức đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, việc quản lý có nhiều phức tạp, dẫn đến các DN sử dụng lao động không chú trọng việc này. Việc xây dựng nhà ở cho NLĐ tại các khu, cụm công nghiệp cũng thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội: nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa...
Vận dụng triệt để Nghị quyết 98
Để thực hiện tốt việc xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn TP HCM, trước tiên phải có quỹ đất. Thành phố cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các KCN đang hình thành, từ đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất giới thiệu cho chủ đầu tư hạ tầng KCN (chủ đầu tư cấp I) tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân.
Các chủ đầu tư hạ tầng KCN có trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân. Chi phí thực hiện được phân bổ vào giá thuê đất tại KCN.
Ban quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với các DN kinh doanh hạ tầng KCN và các ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát quy hoạch các KCN, tình hình cho thuê đất trong KCN, xác định cụ thể quỹ đất dịch vụ hoặc đất xây dựng nhà máy nhưng chưa cho thuê.
Từ đó, tham mưu cho UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Với giải pháp về vốn, nên ưu tiên cho chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được hưởng các ưu đãi về vốn; UBND thành phố xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay. Ngoài ra, cần tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước).
Tạo điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục giúp chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân sớm hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện (đất sạch, có giấy phép xây dựng...) để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân.
Việc quy hoạch khu nhà ở công nhân trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải được xác định cụ thể vị trí, đồng thời buộc các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện. Cùng với việc kêu gọi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, thành phố cần yêu cầu các chủ dự án cam kết bàn giao quỹ đất cho địa phương để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như có kế hoạch lập quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Đặc biệt, Nghị quyết 98 đã bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định chi tiết đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 3, điều 6). TP HCM cần vận dụng triệt để điều này để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/nha-o-cho-cong-nhan-dang-rat-buc-thiet-20230803205557804.htm