Lãng phí - giặc nội xâm - Bài 4: Muôn kiểu rơi rụng nguồn lực

Lãng phí diễn ra dưới nhiều hình thức, trực diện đến độ dễ thấy ở từng góc bếp, từng ngôi nhà, từng con đường, ngay nơi làm việc hoặc ở khắp các công trình, dự án… Những hành động 'vung tay quá trán', lối làm việc vật vờ, quyết định đầu tư sai... ở rất nhiều địa phương, ở nhiều ngành, lĩnh vực, nếu 'quy ra thóc', cộng dồn lại, chắn chắn sẽ ra con số tổng thiệt hại khổng lồ, thật xót xa.

Hao hụt từ nhà ra ngõ

Tại không ít gia đình, nhiều người dễ dàng mua sắm khi không cần thiết, nhất là với thực phẩm sử dụng hàng ngày. Mua quá nhiều, dùng không hết khiến vô số thực phẩm hư hỏng trước khi được chế biến và sử dụng. Trong quá trình sử dụng, “bệnh no bụng, đói con mắt” cũng làm phung phí không ít thực phẩm vì chế biến rồi mà ăn không hết.

 Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu gom rơm sau thu hoạch lúa để bán cho cơ sở làm nấm rơm, hạn chế lãng phí phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THÀNH NHƠN

Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu gom rơm sau thu hoạch lúa để bán cho cơ sở làm nấm rơm, hạn chế lãng phí phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THÀNH NHƠN

Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí ở nước ta. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc chỉ ra thiệt hại do lãng phí thực phẩm ở Việt Nam khoảng 1,3 triệu USD/năm. Ngay trong thùng rác cũng chất chứa sự lãng phí. Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Với chất thải hữu cơ, ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD/năm khi gần 70% không được tái chế.

Bước ra khỏi nhà, trên nhiều tuyến đường ở các đô thị lớn hiện nay, chúng ta dễ bị lãng phí thời gian, tiền bạc, nhiên liệu… vì kẹt xe. Theo Sở GTVT TPHCM, mỗi năm thành phố có gần 5.000 vụ ùn ứ giao thông, thiệt hại khoảng 140.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội, kết quả một số nghiên cứu cho thấy, ùn tắc giao thông làm thiệt hại 1-1,2 tỷ USD/năm.

Ở nơi làm việc, nhiều doanh nghiệp đang bị lãng phí nguồn lực lớn từ hiện tượng “zombie công sở” - nhân viên không hết lòng, làm vật vờ, không cải thiện năng suất lao động, nhưng cũng không nghỉ việc. Theo khảo sát giai đoạn 2016-2023 của Công ty Anphabe, trong nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, những người nỗ lực và trung thành đang giảm dần, nhóm “zombie” tăng lên. Theo đó, 45% số người được khảo sát thể hiện sự “rất không gắn kết”, “thờ ơ” với doanh nghiệp, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%. Điều đó ảnh hưởng đến sự gắn kết, đóng góp của nhân viên đối với doanh nghiệp, làm giảm năng suất và hiệu quả công việc.

Xót xa nhà máy “trùm mền”, lỗ hàng ngàn tỷ đồng

Đối với doanh nghiệp, ngoài tình trạng lãng phí nguồn lực khi gặp thủ tục hành chính phức tạp, thì những sai lầm trong đầu tư có thể “thổi bay” cả ngàn tỷ, chục ngàn tỷ đồng trong thời gian ngắn. Một điển hình cho sự lãng phí trong đầu tư là các dự án sản xuất xăng sinh học E5 - tại tỉnh Phú Thọ (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng), tại tỉnh Bình Phước (vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng) và tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi (vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng). Cả 3 nhà máy này đã đóng cửa nhiều năm qua, do nhu cầu tiêu thụ xăng E5 thấp. Doanh nghiệp cũng không mặn mà kinh doanh xăng E5 khi phải bán nhanh trong vòng 1 tuần, vì để lâu, chất lượng xăng giảm.

Tháng 4-2024, Chính phủ có báo cáo về kết quả thực hành chống lãng phí năm 2023, nêu rõ, một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ. Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư hơn 9 tỷ USD cho dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhà máy đưa vào khai thác cuối năm 2018 nhưng chỉ sau 3 năm đã lỗ 61.200 tỷ đồng… Bộ Xây dựng cũng vừa thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã báo lỗ 863 tỷ đồng, tương đương âm hơn 4,7 tỷ đồng/ngày. Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp có tỷ trọng vốn nhà nước cao phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về các quy định về quản lý vốn nhà nước, nên thiếu sự chủ động và linh hoạt khi ra quyết định sản xuất, kinh doanh. Việc doanh nghiệp không kịp thời có quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo đã làm “lãng phí cơ hội thị trường”.

Tình trạng không tận dụng cơ hội gây ra lãng phí cơ hội của thị trường cũng diễn ra khá phổ biến ở khối doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam hiện đã giao kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp hiện chưa biết các FTA này, hoặc có biết nhưng chưa tận dụng được cơ hội để đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường...

Lạm dụng phân bón: “bốc hơi” khoảng 44.000 tỷ đồng/năm

Nước ta có nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu tham gia “câu lạc bộ tỷ USD”, nhưng sự lãng phí trong quá trình sản xuất không phải là con số nhỏ. Việc không tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng phân bón không hiệu quả… có thể không nhận ra ở từng nông hộ nhưng cộng dồn trên phạm vi rộng, con số tổn thất rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL thải ra khoảng 45 triệu tấn phụ phẩm (vỏ các loại đậu, vỏ cà phê, thân bắp, rơm lúa…), nhưng chỉ khoảng 55% được thu gom, sử dụng. Số còn lại hầu hết bị đem ra đốt, vừa gây lãng phí, vừa làm ô nhiễm môi trường.

Tình trạng lãng phí phân bón cũng rất đáng báo động. Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT), năm 2023, nhu cầu phân bón ở Việt Nam trên 10 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt 40%-45% với phân đạm, 25%-30% với phân lân và 55%-60% với phân kali. Ước tính lượng phân bón bị thất thoát chiếm 50%-55% (khoảng 5-5,5 triệu tấn), đồng nghĩa ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 44.000 tỷ đồng/năm. Đáng ngại hơn, phân bón khi thất thoát, cây trồng không sử dụng được sẽ làm suy thoái đất, nước, chất lượng nông sản… Tình trạng ồ ạt trồng những loại cây được giá, rồi chặt bỏ khi thị trường mất giá những năm qua cũng gây lãng phí lớn về công sức, tiền bạc, thời gian… của nhà nông. Điệp khúc trồng - chặt thiếu bền vững còn làm phá vỡ quy hoạch trồng trọt…

Trong khuôn khổ loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm” đăng tải từ ngày 21-10, Báo SGGP mong muốn cùng bạn đọc nhận diện rõ nét hơn bức tranh về tác hại khôn lường của lãng phí. Nước chảy róc rách qua ngày có thể làm mòn đá, lãng phí - từ nhỏ đến lớn, có thể bào mòn nguồn lực ở nhiều lĩnh vực và cản trở sự phát triển của đất nước. Chỉ có chống lãng phí như chống giặc nội xâm, xây dựng văn hóa tiết kiệm; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành ý thức “tự nguyện”, “tự giác”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” mới giúp chúng ta gìn giữ nguồn lực. Từ đó góp phần gầy dựng nên những thành tựu trong quá trình phát triển, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-phi-giac-noi-xam-bai-4-muon-kieu-roi-rung-nguon-luc-post765021.html