Lãng phí ở quanh ta, phải thường xuyên chống
Vấn nạn lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, làm suy yếu nội lực của nhiều đơn vị, địa phương và đất nước.
Bác Hồ là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người nhấn mạnh lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ.
Tình hình tham nhũng, tiêu cực và vấn nạn lãng phí mặc dù đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn đấu tranh, phòng ngừa song vẫn còn phức tạp, ngày càng tinh vi. Vấn nạn lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển xã hội. Lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình bỏ lỡ thời cơ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cụ thể lãng phí trong một số lĩnh vực như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến việc thực thi pháp luật còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Thủ tục hành chính rườm rà, làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân.
Bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả gây lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, vùng và đất nước. Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.
Năng suất, chất lượng lao động thấp; một số tài nguyên thiên nhiên, tài sản công quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Chậm sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước...
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị đồng lòng chống lãng phí. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra 4 giải pháp trọng tâm để phòng chống lãng phí với những điểm cốt lõi là là cần thống nhất nhận thức việc đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, không kém phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng chống lãng phí. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, xã hội và nhân dân. Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực để phát triển đất nước và chăm lo đời sống nhân dân. Xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành việc làm thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày”...
Các cấp ủy đảng, chính quyền, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi người cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp được đồng chí Tổng Bí thư nêu ra. Trong quá trình thực hiện, cần phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên. Kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lang-phi-o-quanh-ta-phai-thuong-xuyen-chong-396926.html