Lặng thầm sau những bức tranh minh họa

Tranh minh họa đóng vai trò quan trọng trong truyền tải nội dung và ý tưởng của tác phẩm, tuy nhiên công sức và sự cống hiến của những họa sĩ vẽ thể loại này thường ít được biết đến. Họ là những người đứng sau các bức tranh, những hình ảnh đầy cảm xúc, giúp tạo sự kết nối giữa tác phẩm và độc giả; đồng thời, kích thích độc giả bằng những ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt của mình.

Họa sĩ Lò Luận, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Suối Reo.

Họa sĩ Lò Luận, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Suối Reo.

Đối với nhiều họa sĩ, đặc biệt là những người vẽ minh họa, quá trình sáng tạo các tác phẩm là một hành trình cá nhân, nơi họ phải đối mặt với những thách thức về kỹ thuật, ý tưởng và cảm xúc. Họ thường làm việc trong bóng tối, không có sự chú ý của đám đông, không có tiếng vỗ tay khen ngợi. Thay vào đó, họ dành hàng giờ, thậm chí hàng tuần để hoàn thiện một bức tranh minh họa cho một tác phẩm báo chí hoặc văn học. Mỗi nét chì, mỗi màu sắc đều mang theo sự tỉ mỉ và tinh tế, đòi hỏi sự hiểu biết của người họa sĩ về tác phẩm mà tác giả muốn truyền tải.

Họa sĩ Lò Văn Luận, hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La, là một trong những người chuyên vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Suối Reo, chia sẻ: Để vẽ một bức minh họa mang đúng nội dung một tác phẩm, tôi phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần và hiểu về tác phẩm ấy không khác gì những tác giả đã viết ra nó. Ví dụ, một mẩu truyện ngắn viết về một người phụ nữ Dao là nhân vật chính thì không thể vẽ trong bức minh họa là một người phụ nữ mang trang phục của dân tộc khác. Do đó, vẽ tranh minh họa đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh tế.

Trong các cuốn sách hoặc các trang báo, tranh minh họa đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích trí tưởng tượng, nó gần như là cánh cửa mở đầu tiên đón chào những bạn đọc đến với câu truyện ở đằng sau, đó là chưa kể đến nhãn quan của bạn đọc bao giờ cũng sẽ bị thu hút trước hết bởi những gam màu và những hình ảnh sinh động được trình bày trong những đoạn văn bản toàn chữ. Minh họa còn giúp tạo ra ấn tượng mạnh mẽ, thúc đẩy sự tương tác và kết nối cảm xúc với người xem.

Tranh minh họa trong một tác phẩm không chỉ bổ sung hình ảnh sinh động cho cốt truyện, mà còn giúp người đọc dễ dàng hình dung và kết nối cảm xúc với câu chuyện. Tranh minh họa còn tạo điểm nhấn, làm nổi bật những chi tiết quan trọng và có thể truyền tải những ý tưởng mà ngôn từ chưa chắc đã diễn đạt được. Nhờ đó, tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, giúp người đọc không chỉ hiểu sâu hơn nội dung mà còn nhớ lâu hơn câu chuyện.

Họa sĩ Phạm Kim Bảng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, cho biết: Tuy số lượng họa sĩ vẽ tranh minh họa không nhiều, nhưng tôi rất trân trọng sự sáng tạo và sự cống hiến bền bỉ của các đồng nghiệp. Các họa sĩ minh họa sáng tạo tác phẩm không chỉ là những hình ảnh, mà còn truyền tải cảm xúc, ý tưởng và văn hóa qua từng nét vẽ. Công việc của họ giúp làm phong phú thêm các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí,... đồng thời, tạo ra những giá trị thẩm mỹ và tinh thần nhất định.

Ở không gian sáng tạo riêng của mình, người họa sĩ được tự do thể hiện cảm xúc, ý tưởng và tâm hồn mà không bị khống chế bởi ngôn từ. Nhưng vẽ tranh minh họa lại khác, phải là sự kết hợp hài hòa và giao thoa giữa nhiều yếu tố, giữa nội dung tác phẩm và họa sĩ, hay giữa người sáng tạo nghệ thuật và người cảm thụ... Nên, mỗi nét cọ, mỗi màu sắc đều là một phần hi sinh của bản thân họ, được gửi gắm vào từng chi tiết nhỏ nhất. Mỗi một tác phẩm minh họa âm thầm kể câu chuyện, dẫn dắt người xem vào thế giới riêng của chúng, nơi đó chứa đựng tâm hồn của người nghệ sĩ đã hết mình sáng tạo tạo nên một sự kết nối vô hình nhưng sâu sắc với người thưởng thức.

Trong sự tĩnh lặng đó, tranh minh họa trở thành tiếng nói nội tâm, lặng lẽ, nhưng sâu sắc và ý nghĩa. Tương lai, dù công nghệ có phát triển tới đâu, thì những giá trị cốt lõi của tranh minh họa vẫn luôn trường tồn và sống mãi cùng thời gian.

Hoàng Yến (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/lang-tham-sau-nhung-buc-tranh-minh-hoa-cYjGGTjSR.html