Lào Cai: Khảo sát loài lưỡng cư, bò sát và bướm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên vừa phối hợp với Hội động vật Luân Đôn (Vương quốc Anh) và chương trình bảo tồn Rùa châu Á khảo sát bổ sung về tính đa dạng lưỡng cư, bò sát tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Theo thông tin của Vườn quốc gia Hoàng Liên, tham gia đoàn khảo sát có ông Daniel Alexander Kane, chuyên gia Hội động vật Luân Đôn, ông Nguyễn Thành Luân và bà Trần Thị Tuyết Dung, cán bộ nghiên cứu Chương trình bảo tồn Rùa châu Á cùng cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

 Mẫu loài lưỡng cư mới phát hiện ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Ảnh Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cung cấp)

Mẫu loài lưỡng cư mới phát hiện ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Ảnh Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cung cấp)

Kết quả đoàn khảo sát đã ghi nhận, phát hiện 28 loài lưỡng cư và 10 loài bò sát.

Trong đó có 1 loài ghi nhận mới cho Vườn quốc gia Hoàng Liên là loài Ếch cây Thảo (Zhangixalus thaoe), loài này mới được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (tỉnh Lào Cai) trong năm 2024.

Bổ sung khu vực phân bố mới cho loài Rắn hoa cỏ H’mông (Rhabdophis hmongorum) tại 2400m khu vực rừng Tùng – Cát Cát trong Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Có 2 loài chưa xác định được tới loài (Scincella sp. và Raorchestes sp.) và đang tiến hành các phân tích định loại trong thời gian tới để xác định loài.

Đoàn khảo sát cũng đã thu thập 180 mẫu bệnh phẩm lưỡng cư (mẫu nấm trên da),các mẫu bệnh phẩm này được phân tích và kết quả sẽ được cập nhật trong thời gian tới.

Thu thập 84 mẫu gen môi trường bao gồm 70 mẫu nước thu tại vườn quốc gia Hoàng Liên và 14 mẫu đối chứng lọc từ nước cất.

Đoàn cũng đã phân tích đa dạng di truyền quần thể 2 loài ưu tiên, đoàn khảo sát đã thu thập 128 mẫu mút ngón tay của 2 loài ưu tiên Cóc mày botsford (Leptorachella botsfordi) và Cóc răng Sterling (Oreolalax sterlingae) và 2 mẫu của loài khác trong cùng giống để đối chứng là Cóc mày bouret (Leptobrachella bourreti) và Cóc mày mưa (Leptobrachella pluvialis).

Đây là đợt khảo sát thường niên lần thứ 10 tại địa điểm chuẩn của hai loài Cóc răng sterling và Cóc mày botsford kể từ khi thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Dữ liệu thu thập được từ các đợt khảo sát đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng quần thể, tác động của các yếu tố môi trường và xây dựng phương án bảo tồn hiệu quả cho hai loài quý hiếm này tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Trước đó, đầu tháng 6/2024, Vườn quốc gia Hoàng Liên phối hợp với cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cùng các chuyên gia Nhật Bản thành lập đoàn nghiên cứu và đã tiến hành 3 đợt điều tra, nghiên cứu các loại côn trùng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Đoàn nghiên cứu điều tra tại tuyến suối Vàng – thác Tình yêu, tuyến dọc theo suối Cát Cát và tuyến quanh hồ Séo Mý Tỷ. Đối tượng nghiên cứu là các loài côn trùng cánh vảy (bướm ngày), thuộc Bộ Cánh vảy (Leppidoptera) và các loài Chuồn chuồn, thuộc Bộ Chuồn chuồn (Odonata), Lớp Côn trùng (Insecta).

Trong suốt quá trình làm việc, đoàn nghiên cứu đã thực hiện đúng các nội dung, chương trình nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Thực hiện nghiêm chỉnh việc thu thập mẫu vật, đảm bảo tính đa dạng sinh học và không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn thiên nhiên của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Kết thúc đợt nghiên cứu, đoàn đã ghi nhận tổng số 43 loài thuộc 6 họ bướm ngày và 9 loài thuộc 6 họ chuồn chuồn.

Phạm Ngọc Triển

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lao-cai-khao-sat-loai-luong-cu-bo-sat-va-buom-trong-vuon-quoc-gia-hoang-lien-post299291.html