Lào Cai mở rộng các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng dụng công nghệ thông tin
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Lào Cai sẽ có 69 xã thuộc khu vực III, 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS&MN được thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin và lên 117 điểm hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Bạn đọc Cao Dũng dân tộc Tày, Lào Cai hỏi: Tôi muốn hỏi về các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh?
Trả lời:
UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2025, Lào Cai sẽ có 69 xã thuộc khu vực III, 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS&MN được thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin và lên 117 điểm hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Cụ thể: TP Lào Cai, 3 điểm tại xã Hợp Thành; xã Tả Phời; xã Thống Nhất. Huyện Si Ma Cai có 7 điểm; huyện Bảo Yên có 14 điểm; huyện Bắc Hà 18 điểm; huyện Bát Xát 19 điểm; huyện Mường Khương 15 điểm; thị xã Sa Pa 14 điểm; huyện Văn Bàn 17 điểm; huyện Bảo Thắng có 10 điểm hỗ trợ ĐBDTTS ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước đó, ngày 30/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư số 03/2023/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện một số nội dung về thông tin và truyền thông trong Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình.
Yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin như: Có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; Thuận tiện người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ; Đảm bảo an toàn, an ninh về con người, tài sản, thiết bị; Có nguồn điện ổn định.
Điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng rộng theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Đây cũng là một trong những dự án thuộc Tiểu dự án 2 tại Dự án 10 “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi” theo Chương trình MTQG 1719 nhằm mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương tới với bạn bè trong và ngoài nước.
Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2 là 1.549,342 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (vốn đầu tư: 993,621 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 555,721 tỷ đồng).
Mức chi cho dự án này bao gồm:
Chi mua sắm, lắp đặt thiết bị tại điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và đấu thầu.
Chi hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng tại điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin: Mức hỗ trợ theo giá dịch vụ truy cập internet băng rộng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành áp dụng đối với các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin ở các xã khu vực III.
Riêng đối với các xã khu vực III, kinh phí hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng rộng tại điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin được bố trí từ nguồn Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi hỗ trợ duy trì, khai thác, vận hành, bảo trì các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.