Lào Cai tăng quản lý về xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo UBND các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát khẩn trương lựa chọn, bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

Dây chuyền giết mổ gia cầm khép kín. Ảnh minh họa: Thanh Tân - TTXVN

Dây chuyền giết mổ gia cầm khép kín. Ảnh minh họa: Thanh Tân - TTXVN

Theo văn bản số 4959/UBND-NLN của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo thịt gia súc, gia cầm lưu thông, bày bán trên thị trường phải có dấu “Kiểm soát giết mổ” hoặc Tem vệ sinh thú y; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo quy định của Luật Thú y.

Đồng thời, thành lập Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Giết mổ động vật tại nơi không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bày bán thịt gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường...; xem xét thu hồi Giấy phép kinh doanh giết mổ đối với các hộ không chấp hành các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo UBND các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát khẩn trương lựa chọn, bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; trong thời gian chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung phải lựa chọn để nâng cấp, cải tạo cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tạm thời đưa hoạt động giết mổ vào để quản lý và thực hiện công tác kiểm soát giết mổ.

UBND huyện Bảo Thắng chỉ đạo thực hiện quyết liệt biện pháp duy trì cơ sở giết mổ hiện có; đồng thời khẩn trương xây dựng, nâng cấp sửa chữa đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tại xã: Phú Nhuận, Bản Cầm, Sơn Hà, Xuân Giao, Xuân Quang… theo kế hoạch đã đề ra.

UBND thành phố Lào Cai chỉ đạo UBND các xã, phường, các phòng chuyên môn, Ban Quản lý các chợ, Trạm Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ đảm bảo các sản phẩm gia súc, gia cầm bán trên thị trường thành phố phải có dấu “Kiểm soát giết mổ” hoặc Tem vệ sinh thú y.

Di dời cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại tổ 1 phường Kim Tân do không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y theo các văn bản UBND tỉnh đã chỉ đạo; có phương án tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm cho các hộ đang kinh doanh đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Rà soát quỹ đất, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện tốt nhất đề các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật áp dụng công nghệ hiện đại.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh gây mất an toàn thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến trật tự khu dân cư hoặc làm dịch bệnh lây lan qua khâu giết mổ gia súc, gia cầm. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên, khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh trong tháng 10/2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện tốt nhất để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư về trình tự, thủ tục theo chính sách hỗ trợ theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất tại mỗi địa phương làm cơ sở thu hút nhà đầu tư vào xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và xây dựng các công trình xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện những nội dung trên; rà soát, đề xuất các địa điểm đủ điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm hoàn thành mục tiêu về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025. Tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp chỉ đạo quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y.

Đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y bố trí nhân lực thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan qua khâu giết mổ; trên cơ sở thông tin các mẫu dương tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan truy vết nguồn bệnh để đề xuất biện pháp phòng, chống dịch ngay từ bây giờ, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tham mưu, quản lý, kiểm tra, kiểm soát, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm làm dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh; đề xuất biệp pháp xử lý đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Nội vụ theo dõi kết quả những chỉ đạo trên, đề xuất với UBND tỉnh có hình thức biểu dương, khen thưởng cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và quản lý hoạt động giết mổ động vật; tham mưu UBND tỉnh có hình thức xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 1836/UBND-NC ngày 24/4/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các sở, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng cơ sở giết mổ, kiểm soát giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 433 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động, có công suất giết mổ từ 50 con lợn, 200 con gia cầm trở lên/ngày; trong đó có 45 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp.

Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít bởi cơ sở giết mổ này có giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%). Sản phẩm của các cơ sở này cũng khá kén khách, chỉ tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng tiện ích, một số bếp ăn, nhà hàng và khu công nghiệp. Do đó, số lượng tiêu thụ chưa nhiều.

Với mô hình này, cần có doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, do rủi ro cao (hạn chế đầu ra, thời gian thu hồi vốn lâu, nguồn gia súc, gia cầm chưa ổn định…).

Mặt khác, các cơ sở giết mổ dây chuyền công nghiệp này đòi hỏi động vật đưa vào giết mổ có kích cỡ đồng đều nhau và vận hành dây chuyền với số lượng lớn mới đảm bảo có lãi, vì vậy rất khó để cho các hộ nhỏ lẻ thuê gia công giết mổ động vật tại đây. Một số cơ sở hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và kéo dài thời gian thu hồi vốn./.

Phương Mai/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lao-cai-tang-quan-ly-ve-xay-dung-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-tap-trung/309573.html