Lao đao vì dịch COVID-19, 8 tập đoàn Nhà nước lo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, vừa tiếp nhận báo cáo của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc đang đối mặt với giảm khoảng 279.767 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Giảm doanh thu gần 280 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, khoảng 279.767 tỷ đồng doanh thu, hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận dự kiến của 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2020 sẽ không còn. 8 doanh nghiệp mạnh nhất trong các lĩnh vực dự báo lỗ tới 26.234 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD) hơn nếu dịch kéo dài trong năm nay.
Như với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá dầu thế giới liên tục lao dốc, trong quý I tập đoàn này đạt doanh thu 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Dù rất nỗ lực nhưng Petrolimex cũng bị lỗ tổng cộng 572 tỷ đồng trong quý 1. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của tập đoàn giảm 12.517 tỷ đồng, ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách cũng suy giảm khoảng 500 tỷ đồng.
“Trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục dừng các chuyến bay, nhu cầu vận chuyển đường thủy, đường bộ sụt giảm sẽ khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao và ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn”, Petrolimex cho hay.
Dịch COVID-19 cũng khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm doanh thu tới 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ quý 1 năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn cũng giảm 44 tỷ đồng, còn 270 tỷ đồng. Lãnh đạo đơn vị cho hay, dịch COVID -19 làm ảnh hưởng toàn diện đến các ngành hàng của tập đoàn như trồng và khai thác cao su, gỗ, công nghiệp cao su, và khu công nghiệp. Ước tính doanh thu cả năm 2020 của đơn vị giảm khoảng 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 1.800 tỷ đồng (giảm 48%) so với kế hoạch.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng cho hay, năm 2020 là năm khó khăn của đơn vị với doanh thu dự kiến giảm 5.996 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 496 tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách của đơn vị cũng sẽ giảm dự kiến 1.926 tỷ đồng. Cũng chịu tác động lớn của dịch COVID-19, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cho hay, do dịch nên sản lượng và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của đơn vị có dấu hiệu suy giảm. Dự kiến cả năm doanh thu của đơn vị giảm 1.159 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 243 tỷ đồng so với kế hoạch.
Với ngành khai khoáng, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, doanh thu về khoáng sản của đơn vị giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nguy cấp đến nguồn cung nguyên liệu do các đơn vị thuộc tập đoàn chỉ dự trữ đến đầu quý II của năm.
Lương thực lao đao, cà phê bán dưới giá vốn vẫn lỗ
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hai đơn vị ngành lương thực là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng trong cảnh khó khăn vì dịch. Vinafood 1 dự kiến doanh thu cả năm giảm từ 2.081 tỷ đồng đến 6.084 tỷ đồng tùy theo diễn biến của dịch. Lợi nhuận cũng giảm tương ứng từ 91 tỷ đến 110 tỷ đồng so với kế hoạch. Tình hình của Vinafood 2 cũng tương tự khi tiếp tục gặp khó khăn trong kinh doanh. Riêng trong quý 1, tổng công ty này đã lỗ 97 tỷ đồng.
Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho hay, trong quý đầu tiên của năm 2020, công ty mẹ đã lỗ 15 tỷ đồng. Hợp nhất toàn tập đoàn lỗ 25 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ sản phẩm của đơn vị rất khó khăn, giá bán thấp hơn cả giá thành sản xuất mà cũng không cải thiện được tình hình trong khi giá xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. “Nếu tình hình này kéo dài, năm 2020 tổng công ty khó hoàn thành kế hoạch được giao. Sản xuất kinh doanh lỗ ba năm liên tiếp”, Vinacafe cho hay.
Đáng chú ý, theo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), có tới 81 trên tổng số 145 doanh nghiệp mà đơn vị đang quản lý có báo cáo chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Trong đó có 35 đơn vị chịu thiệt hại nặng nề, đáng kể nhất trong số này là Tập đoàn Dệt may Việt Nam do số lao động lớn, không ký được đơn hàng mới và gặp ách tắc trong xuất khẩu các đơn hàng cũ...