Lao động 'chảy ngược' từ phố về quê
Từ thực tế thừa - thiếu lao động diễn ra nhiều địa phương trong cả nước trong thời gian gần đây cho thấy chiều hướng lao động dịch chuyển từ phố - về quê là khá lớn. Từ những chỉ dấu này của dòng dịch chuyển lao động, có khá nhiều vấn đề được đặt ra cho cả chính sách công, trách nhiệm doanh nghiệp lẫn thị trường lao động.
Về quê vẫn hơn
Trở về khu nhà trọ sau ngày làm việc, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải – Trần Thị Thanh, công nhân lao đông tại Công ty Emtech – một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa ở Khu công nghiệp (KCN) Vsip – Nghệ An, cùng chia nhau công việc nhà và chăm con. Từ khi trở về quê cuộc sống mới được như vậy. Hồi làm công nhân ở Công ty Sam sung – Bắc Ninh, đầu tắt mặt tối cả ngày, vợ chồng nhiều khi nhiều ngày không thấy mặt nhau, con cái đành phải gửi về quê nhờ nội ngoại trông giúp” - Chị Thanh nói. Hai vợ chồng quyết định về quê vì “ở đâu cũng không bằng nhà mình. Lương ở đây cũng không kém ngoài đó là bao, sống chậm hơn, áp lực chi tiêu cũng đỡ nhiều, trước đây 2 vợ chông làm công nhân xa nhà cả năm dành dụm về một cái tết quà cáp tàu xe có khi trở về thành phố lại chẳng còn đồng nào”.
Vợ chồng chị Thanh nằm trong số khá đông công nhân người Nghệ An quyết định ở lại quê nhà làm việc thay vì khăn gói ra Bắc như mọi năm. Hiện nay mỗi tháng vợ chồng chị Thanh có khoảng 12-13 triệu đồng lương, trừ ăn uống chi tiêu vẫn để dành được một khoản.
Chị Đinh Thị Yên (sinh năm 1988, kế toán Công ty Luxshare – KCN Vsip) cùng nhóm bạn cũng quyết định ở lại quê. Chị Yên tâm sự: “ môi trường mới khá chuyên nghiệp, làm ở đây, tăng ca ít, ăn uống dễ dàng hơn với mức lương gần 10 triệu đồng và được ưu tiên ở Ký túc xá công ty dành cho đối tượng là nhân viên nên chị Yên khá hài lòng với công việc hiện nay”. Nghe tin Yên tìm được việc phù hợp, thu nhập ổn định, nhiều bạn của chị đang làm ở Hà Nội, Hưng Yên hay tận trong miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương cũng quyết về quê tìm việc.
Khi trao đổi với khá nhiều công nhân ở các KCN, tại các nhà máy may như Minh Anh Đô Lương, Havina Kim Liên… có rất nhiều bạn trẻ đã chọn hướng đi tương tự và cho rằng môi trường làm việc ở các nhà máy tại các KCN ở Vsip không khác nhiều với các KCN lớn. Trong khi đó, ở đây chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt rẻ hơn nhiều lần và người lao động nếu siêng năng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Nhận ra nhu cầu có thật này, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An đã liên tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm đầu năm để giữ chân, hỗ trợ người lao động tìm việc. Ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho hay đã qua nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động ở các địa phương, chưa có con số thống kê chính thức nhưng lực lượng lao động ly hương ở lại quê nhà kiếm được việc làm khá nhiều. Các doanh nghiệp (DN) ở địa phương có nhu cầu tuyển dụng hơn rất nhiều, nhưng từ đầu năm đến nay mới có khoảng 1400 lao động đến sàn để tìm việc làm, chủ yếu là công nhân từ các tỉnh phía Nam ở lại.
Mặc dù KCN Vsip mới đi vào hoạt động chưa lâu và số lượng công ty chưa nhiều nhưng trong thời gian qua đã thu hút rất nhiều lao động đến làm việc. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tuyển dụng việc làm của Công ty Luxshare –KCN Vsip ngày nào cũng có lao động đến xin phỏng vấn. Hiện nay, Hiện công ty đang có khoảng 6000 lao động đang làm việc và công ty còn có nhu cầu tuyển thêm 10.000 lao động trong thời gian tới. Đây cũng là công ty có số lượng lao động lớn nhất toàn tỉnh. Chị Phạm Thị Dung – đại diện công ty cho biết: Do nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nên hiện nay hơn 90% lao động phổ thông đến phỏng vấn tại công ty đều được trúng tuyển. Về điều kiện để được tuyển dụng cũng không quá khó khăn tuy nhiên chung tôi ưu tiên những lao động có sức khỏe, có khả năng phản xạ tốt, nhanh nhẹn đáp ứng được cường độ lao động làm việc cao ở DN. Riêng với những lao động làm các bộ phận khác như viên văn phòng, giám sát thì việc biết ngoại ngữ là một lợi thế vì yêu cầu công việc phải thường xuyên giao tiếp với các chuyên gia người nước ngoài.
Ưu đãi để hút lao động
Đây là vấn đề được ông Phan Xuân Hóa – Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đặt ra với nhiều ban ngành và các địa phương trong cuộc làm việc mới đây với UBND tỉnh Nghệ An. Theo ông Hóa, lượng lao động di cư ngược về quê tìm việc đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt công nhân, lao động phổ thông ở các KCN địa phương. Doanh nghiệp ở đây cũng chủ động đưa ra các thông tin lương thưởng, hỗ trợ, điều kiện lao động... để công nhân lựa chọn bên cạnh những chính sách ưu đãi, hấp dẫn người lao động như hỗ trợ tiền nhà, đi lại, đào tạo miễn phí, tiền thưởng tăng ca...
Và theo dự kiến, khi các dự án lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như Luxshare, Goertek, Evewin hoàn thành triển khai xây dựng và đi vào hoạt động chính thức thì trong 5 năm tới dự báo nhu cầu tuyển dụng tăng cao đột biết cả về lao động chất lượng cao và lao động phổ thông với khoảng trên 130.000 lao động.
Theo tổng hợp của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An dự kiến sẽ thu hút được trên 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó có trên 30% dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn dầu tư khoảng 2,6% tỷ USD. Nghệ An cũng đang đặt mục tiêu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN Vsip, Wha, Hoàng Mai.
Cũng theo ông Phan Xuân Hóa, tất cả các DN khi đầu tư vào Nghệ An, câu hỏi đầu tiên là Nghệ An có đáp ứng được nhu cầu lao động tại chỗ hay không? Đây là một cơ hội rất lớn cho người lao động Nghệ An và nếu chúng ta có sự chuẩn bị đầy đủ thì sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Vì trên thực tế, nếu tính trên số lượng dân số thì với hơn 3 triệu dân, Nghệ An sẽ có một lượng lao động dồi dào và đang trong thời điểm “dân số vàng”.
Nhiều DN nhìn nhận số lượng người từ trong Nam hay ngoài Bắc trở về đã giúp họ yên tâm hơn về vấn đề lao động, không căng thẳng như mọi năm. Và những lao đông trở về có lợi thế là hầu hết đều có tay nghề, có kinh nghiệm làm việc ở các cơ sở sản xuất, DN công nghiệp, ý thức lao động tương đối tốt. Đó là thuận lợi cho những nhà tuyển dụng lao động lẫn các DN địa phương. Ông Nguyễn Văn Cần – Chủ tịch Công đoàn của Công ty Emtech – công ty chuyên sản xuất đồ nhựa ở KCN Vsip, cho biết: “Chúng tôi xem việc giữ chân công nhân như chiến lược lâu dài”.
Theo ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, cho biết thêm, chuyển dịch lao động (chủ yếu là lao động phổ thông) từ các thành phố lớn về các tỉnh là một hiện tượng đặc thù chứ chưa phải là một xu hướng và cũng mới xuất hiện gần đây, sau thời điểm khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh kéo dài. Về lâu dài để “giữ chân” lao động, tỉnh Nghệ An cần phải ban hành các chơ chế chính sách thu hút đầu tư và lao động. Phải tăng cường hợp tác, kết nối giữa nhà nước – nhà trường và DN, tăng cường phân luồng, hướn nghiệp và đổi mới hoạt động mạng lưới cơ sở đào tạo để có nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Các nhà quản lý phải rà sát nguồn lực lao động ở các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều DN vào đầu tư để dự báo về nhu cầu việc làm tới từng lao động.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-dong-chay-nguoc-tu-pho-ve-que-156300.html