Lắp đặt hệ thống thiết bị báo tàu tại đường ngang có gác

Ngày 13-10, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Ngành đường sắt đang triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị báo tàu đối với các đường ngang có gác nhằm tự động báo cho nhân viên gác chắn tàu sắp đến để tác nghiệp đóng chắn kịp thời, đảm bảo an toàn. Theo quy trình chung hiện nay, nhân viên gác chắn được thông báo kế hoạch chạy tàu trong vòng 8 giờ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 13-10, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Ngành đường sắt đang triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị báo tàu đối với các đường ngang có gác nhằm tự động báo cho nhân viên gác chắn tàu sắp đến để tác nghiệp đóng chắn kịp thời, đảm bảo an toàn.

Theo quy trình chung hiện nay, nhân viên gác chắn được thông báo kế hoạch chạy tàu trong vòng 8 giờ. Việc triển khai lắp đặt sẽ ưu tiên các đường ngang trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí đường ngang có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai lắp đặt 112 hệ thống và theo tiến độ cuối năm 2022 phải hoàn thành để đưa vào sử dụng. Kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống tại một đường ngang lớn khoảng 1,6-1,8 tỷ đồng. Vì vậy, với số đường ngang có gác còn lại, ngành đường sắt mong rằng sẽ được bố trí vốn kịp thời để năm 2024 hoàn thành toàn bộ, góp phần giảm thiểu yếu tố chủ quan từ phía con người, gia tăng hệ số an toàn chạy tàu.

Tính đến ngày 30-9-2022, mạng lưới đường sắt quốc gia có 1.510 đường ngang các loại; trong đó, có 660 đường ngang có nhân viên gác chắn, 704 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 9 đường ngang cảnh báo tự động, 137 đường ngang biển báo. Tại các đường ngang có nhân viên gác chắn, các Công ty bảo trì cầu đường đường sắt cho lắp đặt các camera tại đường ngang và trong nhà gác. Các hình ảnh từ camera được truyền về trung tâm giám sát đặt tại công ty. Nhân viên trực giám sát có thể quan sát khu vực đường ngang, theo dõi hiện trạng giao thông, giám sát việc thực hiện quy trình tác nghiệp của nhân viên gác chắn; đồng thời, hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực đường ngang./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202210/lap-dat-he-thong-thiet-bi-bao-tau-tai-duong-ngang-co-gac-2553527/